Hà Nội, Thứ Ba Ngày 15/10/2024

Kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19

DTVN 13:41 05/09/2020

Giờ đây, khi kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19, 1 kỷ nguyên mới đang mở ra. Kỷ nguyên đó có gì?

Có thể nói kinh tế học vĩ mô hiện đại bắt đầu từ năm 1936, khi cuốn "The General Theory of Employment, Interest and Money" (tạm dịch: Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ) được xuất bản. Từ đó đến nay, có thể chia lịch sử thành 3 giai đoạn.

Thời kỳ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các ý tưởng của Keynes bắt đầu từ những năm 1940. Đến những năm 1970, học thuyết Keynes vấp phải một số vấn đề không thể giải quyết, dẫn đến thời kỳ sự nổi lên của trường phái trọng tiền (monetarist) mà nổi bật nhất là học thuyết của Milton Friedman.

Trong những năm 1990 và 2000, các nhà kinh tế học vận dụng kết hợp cả 2 trường phái. Nhưng giờ đây, khi kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19, 1 kỷ nguyên mới đang mở ra. Kỷ nguyên đó có gì?

Trọng tâm của học thuyết Keynes là quản lý chu kỳ kinh doanh – làm sao để chống lại suy thoái và đảm bảo tối đa hóa số lượng người muốn làm việc có thể tìm được việc làm. Sau khi được mở rộng, ý tưởng này trở thành mục tiêu hàng đầu của quá trình hoạch định chính sách kinh tế. Không giống như các học thuyết khác ở đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa Keynes chỉ ra rằng nhà nước đóng vai trò to lớn để có thể đạt được mục tiêu.

Cuộc Đại khủng hoảng càng thuyết phục những người ủng hộ học thuyết này tin rằng nền kinh tế không thể tự điều chỉnh. Các chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn số tiền thuế thu được, chịu đựng thâm hụt ngân sách lớn trong thời kỳ suy thoái để hỗ trợ nền kinh tế, sau đó sẽ trả nợ khi kinh tế tốt lên.

Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, học thuyết này đang bị thách thức. Thực ra thì nó đã lung lay lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, khi các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với 2 vấn đề lớn. Đầu tiên là lực cầu của nền kinh tế bị giảm sút rất nhiều do khủng hoảng. Để chống lại suy thoái, các NHTW đã ồ ạt giảm lãi suất và tung ra các gói nới lỏng định lượng (hay chính là in tiền để mua trái phiếu). Nhưng dù đã áp dụng chính sách tiền tệ bất thường như vậy, kinh tế toàn cầu hồi phục rất chậm chạp với mức tăng trưởng GDP yếu ớt. Cuối cùng thị trường lao động cũng có thể bùng nổ nhưng lạm phát vẫn ì ạch. Giai đoạn cuối những năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát một lần nữa không diễn biến như mong muốn nhưng là quá thấp chứ không phải quá cao như những năm 1970.

Hiện tượng này làm dấy lên những câu hỏi về cách điều hành nền kinh tế. Các NHTW đối mặt với hoàn cảnh đặc biệt: lãi suất âm – điều mà theo lẽ thường sẽ khiến khách hàng đồng loạt rút tiền và "cất dưới gối" còn hơn. Các gói nới lỏng định lượng quá mới và tính hiệu quả của chúng vẫn là điều gây tranh cãi. Những vấn đề nổi cộm khiến mọi người suy nghĩ lại về chính sách vĩ mô.

Thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính cũng làm bộc lộ những điểm bất ổn trong phân phối thu nhập. Trong khi những lo ngại về cái giả phải trả cho oàn cầu hóa và tự động hóa đã tiếp thêm sức mạnh cho chủ nghĩa dân túy trên chính trường, các nhà kinh tế học tập trung nhiều hơn vào chênh lệch giàu nghèo, tình trạng một số doanh nghiệp nắm trong tay quá nhiều quyền lực hay mức độ di động xã hội bị suy giảm. Các NHTW bị buộc tội khiến chênh lệch giàu nghèo càng thêm trầm trọng vì lãi suất thấp và các gói QE khiến giá nhà và chứng khoán tăng mạnh.

Tuy nhiên thời gian trôi qua thì câu trả lời cho câu hỏi các biện pháp kích thích kinh tế mang lại bao nhiêu lợi ích cho người nghèo càng trở nên rõ ràng hơn, nếu như tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống đủ mạnh để tiền lương của nhóm thu nhập thấp tăng lên. Ngay trước đại dịch, Chủ tịch Fed Jerome Powell tự hào nói rằng "đà hồi phục lần này mang lại lợi ích cho người thu nhập thấp nhiều nhất trong mấy chục năm trở lại đây".

Nhưng sau đó đại dịch ập đến. Chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất bị gián đoạn – điều lẽ ra sẽ tác động nhiều hơn đến nguồn cung. Nhưng cuối cùng thì Covid-19 lại ảnh hưởng nhiều hơn đến phía lực cầu, làm cho kỳ vọng về lạm phát và lãi suất càng giảm sâu hơn nữa. Nhu cầu đầu tư sụt giảm mạnh, trong khi người dân ở các nước giàu tiết kiệm nhiều hơn.

Đại dịch cũng làm bộc lộ rõ và làm trầm trọng thêm tình trạng chênh lệch trong hệ thống kinh tế. Những công việc "cổ cồn trắng" có thể làm việc tại nhà nhưng nhóm lao động trình độ thấp hơn – người giao hàng, lao công dọn vệ sinh, bồi bàn – thì không thể làm như vậy và bị giảm lương, sa thải, do đó trở thành nhóm bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/kinh-te-toan-cau-bi-tan-pha-nang-ne-boi-dai-dich-covid-19-d81911.html

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế toàn cầu bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế