Hàn Quốc hiện đang là thị trường giao đồ ăn nhanh lớn thứ tư trên thế giới, với trị giá khoảng 20 nghìn tỷ won (tương đương 16,7 tỷ USD). Người dân nước này ngày càng ưa chuộng việc tìm kiếm, đặt hàng và trả tiền cho đồ ăn của họ trên cùng một nền tảng như ứng dụng giao đồ ăn tiện lợi.
Đây cũng được coi là phương pháp đã “giải vây” cho nhiều người không thể ra ngoài trong thời gian Covid-19 xảy ra. Gần như mọi thứ - từ thức ăn cho mèo đến ống hút giấy – đều được giao tới tận cửa nhà. Bên cạnh đó rất nhiều người tại Hàn Quốc đang sinh sống trong tình trạng độc thân khiến cho họ càng yêu thích việc giao đồ ăn tận nhà nhanh chóng và tiện lợi này.
Điều đó khiến cho các cửa hàng bán lẻ trực tuyến lớn đua nhau giới thiệu dịch vụ giao hàng “siêu tốc”, rút ngắn thời gian vận chuyển chỉ còn vài giờ sau khi đặt hàng để giành giật thị phần.
Nhân viên chuyển phát lao động trong hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào?
Theo báo cáo năm 2018 của Viện Vận tải Hàn Quốc, trung bình nhân viên chuyển phát phải làm việc 12,7 tiếng mỗi ngày, 25.6 ngày mỗi tháng. Trong khi đó, chính phủ Hàn Quốc thúc đẩy văn hóa làm việc 52 tiếng mỗi tuần.
Liên đoàn của nhân viên giao hàng còn đưa ra con số gây sốc hơn. Họ ước tính thời gian làm việc mỗi ngày của họ từ 12 tới 16 tiếng. Do dịch Covid-19, khối lượng đơn hàng tăng từ 30 tới 40%.
Cái chết của những thanh niên giao hàng đã thể hiện sự khắc nghiệt của công việc này, khi mà “shipper” tại Hàn Quốc luôn phải chịu áp lực của việc giao hàng nhanh nhất có thể. Chính bởi áp lực phải giao hàng khi thức ăn còn nóng hổi khiến họ lái xe liều lĩnh và bỏ qua các quy tắc giao thông ngay cả khi không hề có bảo hiểm tai nạn đầy đủ.
Chính bởi áp lực phải giao hàng khi thức ăn còn nóng hổi khiến họ lái xe liều lĩnh và bỏ qua các quy tắc giao thông ngay cả khi không hề có bảo hiểm tai nạn đầy đủ. |
“Có những ca làm việc tôi nhận được hơn chục đơn giao hàng cùng lúc. Việc phải giao hàng nhanh buộc tôi phải bỏ qua tín hiệu đèn giao thông, len lỏi giữa xe ô tô và phải phóng nhanh đầy nguy hiểm trong những ngõ hẻm”, tờ South China Morning Post trích dẫn trả lời phỏng vấn của anh Shin Sung-sub một cựu nhân viên giao đồ ăn.
Theo Trung tâm dịch vụ phúc lợi lao động Hàn Quốc, đến nay đã có 86 thanh thiếu niên thiệt mạng và 4.500 người bị thương trong quá trình đi giao hàng kể từ năm 2010 đến nay.
Cảnh sát và những nhà chức trách Hàn Quốc hiện cũng đã vào cuộc, gần đây họ cũng yêu cầu những nền tảng ứng dụng giao đồ ăn hay nhà hàng phải cung cấp bảo hiểm thân thể cho lái xe đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi muốn lách luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sự an nguy của những tài xế giao hàng.
Điều kiện làm việc của nhân viên giao hàng cũng tồi tệ hơn. Dịch Covid-19 đồng nghĩa họ luôn phải đeo khẩu trang, kết hợp với khí hậu mùa hè ẩm ướt, nóng bức khiến việc thở cũng trở nên khó khăn.
Dù vậy, điều đó đã dừng lại, dù chỉ trong một ngày, vào 14/8.
Thông điệp đặc biệt của ngày 14/8
CJ Logistics, Lotte Global Logistics, Hanjin và Logen - Các công ty chuyển phát lớn nắm 80% thị trường, cũng như dịch vụ bưu chính Hàn Quốc đồng ý đưa ngày 14/8 làm “ngày F5 cho nhân viên giao hàng”. Do 15/8 là Ngày Giải phóng của Hàn Quốc và 16/8 rơi vào Chủ nhật, nhiều nhân viên giao hàng được hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ 3 ngày lần đầu tiên trong 3 thập kỷ.
Phần lớn đều cảm thấy hạnh phúc với “ngày không bưu phẩm”. Nhiều chủ sở hữu trung tâm mua sắm đã đăng các bài viết, nhắc khách hàng rằng ngày 14/8 họ sẽ không có bưu phẩm được giao, đồng thời cảm ơn nhân viên giao hàng vì làm việc chăm chỉ. Trên mạng xã hội, khách hàng viết thông điệp cảm ơn, một số còn chia sẻ hình ảnh tặng các chai nước bổ dưỡng hay quà tặng nhỏ cho nhân viên giao hàng.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhắc tới ngày lễ này trong tweet ngày 18/7, gọi nhân viên giao hàng, cùng với nhân viên y tế đã đóng vai trò dẫn đầu trong công cuộc chống lại Covid-19.
Dù vậy, có những người không may mắn như vậy. “Chồng tôi, người đang mong chờ chuyến du lịch đầu tiên trong 8 năm, đã mất khi tôi cố đánh thức ông ấy dậy vào sáng nay”, Seo Han Mi - vợ của nhân viên giao hàng Jeong Sang Won, người qua đời 3 tháng trước - nói trong cuộc họp báo ngày 11/8. “CJ Logistics chưa bao giờ gửi lời xin lỗi đúng đắn. Tôi hi vọng điều kiện lao động sẽ được cải thiện cho mọi người”.
Một số cho rằng điều kiện làm việc nên được xử lý trước khi mùa thu tới, thời điểm khối lượng hàng hóa sẽ tăng lên do trùng với Tết Trung thu truyền thống, khi mọi người thường gửi quà tặng nhau.
Trong cuộc họp báo ngày 28/7, Jin Kyung Oh – người dẫn đầu ủy ban đặc biệt bảo vệ nhân viên giao hàng trước cái chết vì phải làm việc quá sức – cho rằng họ tiếp tục phải làm việc nặng nhọc vào cả thứ Bẩy. “Những món hàng khẩn cấp có thể được giao nhưng với các món còn lại, công ty chuyển phát cần phải cho phép hoãn sang thứ Hai tiếp theo”, ông nói.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ