Theo hãng tin Bloomberg, thế giới sắp phải chịu một nạn đói kém chưa từng có do đại dịch Covid-19. Báo cáo mới nhất của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO), Quỹ nhi đồng quốc tế (UNICEF), Chương trình lương thực quốc tế (WFP) cùng Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hiện gần 690 triệu người trên toàn cầu, phần lớn là tại Châu Á, đang lâm vào cảnh đói ăn, tương đương 8,9% tổng dân số và nhiều hơn 10 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể khiến thêm 132 triệu người nữa lâm vào cảnh đói ăn, nâng tổng số lên 822 triệu người, tương đương 10.6% tổng dân số.
Đại dịch Covid-19 hiện đang làm đình trệ chuỗi cung ứng lương thực, tàn phá nhiều nền kinh tế cũng như xói mòn sức tiêu dùng trong xã hội. Một số dự báo còn cho thấy vào cuối năm 2020, số người chết vì đói mỗi ngày do ảnh hưởng từ dịch bệnh còn nhiều hơn cả số người nhiễm dịch Covid-19.
Ngày càng nhiều người dân cần sự trợ giúp của các ngân hàng lương thực và tổ chức từ thiện
Điều trớ trêu là trong khi nhiều người chết đói thì lượng lương thực tại nhiều quốc gia lại đang thừa mứa và chẳng đủ nhân công để thu hoạch.
Theo báo cáo của FAO, khoảng 2 tỷ người trên thế giới hiện đang không được tiếp cận với đầy đủ lương thực, thực phẩm hay những nguồn dinh dưỡng cần thiết. Tổ chức này cảnh báo đến năm 2030, số người lâm vào cảnh đói ăn sẽ vượt 840 triệu người.
Thậm chí tại những nơi giàu có như quận Queens-New York-Mỹ, hàng dài người xếp hàng đợi đến 8 tiếng đồng hồ trước cửa ngân hàng lương thực chỉ để nhận những hộp thực phẩm có thể giúp họ chống đói cả tuần. Trái ngược lại, những nông dân ở bang California-Mỹ lại để rau diếp héo ngoài đồng còn các trang trại ở thủ đô Washington thì để quả thối rữa trên cây vì chẳng có ai thu hoạch mùa dịch.
Tại Uganda, chuối và cà chua tràn ngập thị trường với giá rẻ nhưng chẳng ai mua nổi khi tầng lớp lao động tại đây bị mất việc vì dịch. Những chuyến hàng chở gạo và thịt liên tục lênh đênh trên biển khi hệ thống logistic bị tắc nghẽn ở nhiều nước như Philippines, Trung Quốc hay Nigeria. Thậm chí Nam Phi và Venezuela đã xuất hiện nạn đói diện rộng.
"Cuộc khủng hoảng lương thực này sẽ tác động đến nhiều thế hệ khi ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, sinh sản và di truyền. Đến tận năm 2120, chúng ta vẫn sẽ phải nhắc đến cuộc khủng hoảng lương thực này", Giám đốc Mariana Chilton của trung tâm chống đói CHFC nhận định.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ