Nhiều người nắm giữ tài sản tài chính hoặc có công việc thuộc nhóm đối tượng “công nhân cổ cồn trắng” - tức dân văn phòng, lương cao, đang được hưởng lợi từ suy giảm kinh tế, trong khi phần lao động còn lại ở Mỹ thì đang tìm mọi cách vật lộn mưu sinh để tồn tại.
Giới nắm giữ tài sản giàu có hoặc trung lưu thường giữ được công việc, dễ dàng tìm việc mới. Giá trị tài sản của họ như danh mục đầu tư cổ phiếu, nhà cửa đều phình to, khi mà giá trên thị trường chứng khoán, nhà đất Mỹ đều xác lập mốc cao kỉ lục giữa thời đại dịch.
Kinh tế suy giảm, nhưng thị trường chứng khoán Mỹ liên tục xác lập những kỉ lục mới. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó “lao động cổ cồn”, chủ doanh nghiệp nhỏ và khoảng 50% dân số Mỹ không đầu tư vào thị trường chứng khoán lại đang phải đối mặt với tình cảnh mất việc làm, đóng cửa doanh nghiệp.
Đến hết ngày 31/7 này, khoảng 20 triệu người Mỹ sẽ không còn nhận được khoản trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần nữa, khi gói kích thích kinh tế cũ hết hiệu lực đối với khoản chi này, còn gói kích thích mới vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo.
Tình trạng suy thoái do Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nhóm người da đen ở Mỹ, làm gia tăng sự bất bình đẳng về vấn đề chủng tộc trong bối cảnh nền kinh tế bắt đầu khởi động lại một cách chậm chạp để hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm người da màu tại Mỹ đã cao gấp đôi so với người da trắng ngay cả trong điều kiện kinh tế tốt nhất.
Dù tình trạng mất việc có nguyên nhân do nền kinh tế đóng cửa không liên quan đến việc phân biệt chủng tộc, thì vẫn có nhiều lý do để lo ngại rằng người da đen và nhóm thiểu số khác có thể phải chịu đựng sự bất công khi một số các công ty cắt giảm nhân sự.
Người lao động da màu tại Mỹ phải chịu đựng những gì mà các nhà kinh tế gọi là hiện tượng "sa thải đầu tiên, tuyển dụng cuối cùng": Họ sẽ nhanh chóng bị sa thải và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng lên ngay cả khi thị trường lao động cho người da trắng bắt đầu hồi phục.
Người lao động da màu tại Mỹ phải chịu đựng những gì mà các nhà kinh tế gọi là hiện tượng "sa thải đầu tiên, tuyển dụng cuối cùng". |
Điều này có thể có tác động lâu dài, bởi việc những người lao động không tìm được việc làm có thể khiến những kỹ năng của họ trở nên lỗi thời, khó có thể quay lại với công ty được trả lương cao.
Việc FED bơm 3.000 tỉ USD ra thị trường thông qua hoạt động mua trái phiếu cùng với các gói kích thích hơn 2.000 tỉ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua để phục hồi kinh tế đã khiến giá của các loại tài sản ngoài đồng USD tăng, giúp tầng lớp giàu có hưởng lợi. Đây cũng là xu hướng được hình thành sau kỳ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ