Vietjet: Lỗ vận chuyển hàng không thấp hơn dự kiến
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét sáu tháng đầu năm 2020 do Công ty Kiểm toán PWC thực hiện.
Cụ thể, báo cáo tài chính soát xét ghi nhận doanh thu 9.228 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ 54% (bình quân trên thế giới các hãng giảm trên 80%) và lỗ vận chuyển hàng không 1.440 tỷ đồng, thấp hơn dự kiến tới 670 tỷ đồng, được đánh giá là tích cực so với các hãng hàng không trên thế giới do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.
Với tổng tài sản 46.317 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.313 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ. Chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,1 lần, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ 0,57 lần. Tỉ lệ nợ vay hiện thuộc nhóm thấp nhất trong ngành hàng không thế giới, nhờ vậy, Vietjet tiếp tục thực hiện kế hoạch huy động vốn trung dài hạn để tăng cường nội lực tài chính.
Khi dòng tiền kinh doanh vận tải hàng không sụt giảm, Vietjet quyết định chuyển nhượng danh mục đầu tư và một số tài sản đã tích luỹ trong thời gian trước đó để tập trung nguồn vốn, tập trung tiền mặt và nuôi dưỡng nguồn lực để phục hồi khi hàng không bật tăng trở lại.
Hãng này cũng đã khai thác trở lại toàn bộ đường bay nội địa với hơn 300 chuyến một ngày trong tháng 6, tăng 3-5 lần so với thời gian đỉnh điểm dịch.
Vietjet đồng thời mở mới 8 đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân và du khách, đưa tổng số lượng đường bay lên đến 52 tuyến, tổng số chuyến đạt 14.000. Chỉ riêng trong tháng 6 vừa qua, tổng số lượt khách vận chuyển đạt 1,2 triệu lượt khách, góp phần khôi phục thị trường nội địa.
Hãng đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép và bắt đầu tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để chủ động khai thác, giảm chi phí, tăng doanh thu phụ trợ tại sân bay cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.
Bức tranh chuẩn bị nguồn lực
Từ đầu năm 2020 đến nay, Vietjet đã triển khai hàng loạt các giải pháp quyết liệt như mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass...
Vietjet còn chính thức phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa (cargo) từ tháng 4, là hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn triển khai khai thác vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách (CIPC).
Đặc biệt trong tháng 5/2020, Vietjet triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Bên cạnh đó, Vietjet tích cực đàm phán với các nhà cung cấp giảm giá dịch vụ cảng, sân bay, kỹ thuật và các dịch vụ khác từ 20% - 45% tùy nhà cung cấp.
Nhờ khả năng tối ưu chi phí dựa trên nền tảng công nghệ, Vietjet thể hiện tính hiệu quả khi vận hành theo mô hình LCC – một mô hình đã và đang luôn hiệu quả khi nền kinh tế trải qua các thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Với việc chuẩn bị tốt mọi nguồn lực, cộng với việc kinh doanh hiệu quả theo mô hình hàng không chi phí thấp, nếu có sự hỗ trợ về gói vay ưu đãi như các hãng hàng không khác, Vietjet được nhận định sẽ tiếp tục trụ vững và nhanh chóng khôi phục và bật tăng phát triển sau khi thị trường hàng không phục hồi.
Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thông qua gói hỗ trợ hàng không bao gồm không giới hạn việc miễn giảm các loại thuế, phí dịch vụ hàng không, miễn giảm thuế môi trường cho nhiên liệu bay, gói hỗ trợ tài chính, gia hạn nợ vay…
Sự hỗ trợ này cần cấp thiết và cụ thể trong giai đoạn hiện nay để củng cố nội lực của các hãng trong nước.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ