Đáng chú ý, tính đến 30-6 năm nay hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của đơn vị này là 4.05, tương ứng với khoảng nợ gần 37.000 tỉ đồng (1,6 tỉ đô la).
Đầu tháng 8 mới đây, An Đông công bố đã thanh toán gần 1.384 tỉ đồng tiền lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2020. Đây là các lô trái phiếu có tổng giá trị 24.969 tỉ đồng được phát hành trong hai năm 2018 và 2019.
Đây không phải là lần đầu tiên An Đông thanh toán lãi trái phiếu với số tiền lớn. Trước đó trong năm 2019, công ty cũng đã trả hơn 1.471 tỉ đồng tiền lãi cho các lô trái phiếu nói trên. Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận sau thuế của An Đông trong hai năm gần nhất 2018 và 2019 đạt tương ứng155,6 tỉ đồng và 37,6 tỉ đồng.
Được biết, An Đông là thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được thành lập vào ngày 20-4-2007 với vốn điều lệ 9.000 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2019, công ty có vốn điều lệ gần 9.284 tỉ đồng.
Tại TPHCM, An Đông sở hữu hàng loạt các bất động sản, như Khách sạn Thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel, 18 An Dương Vương, quận 5), The Garden Complex (tên gọi cũ Khu cao ốc liên hợp Gia cư Thương mại Thuận Kiều, 190 Hồng Bàng, quận 5), Elegant Residence (8 Hưng Long, quận 10), An Đông Tower (51-53 An Dương Vương, quận 5), An Đông Plaza 2 (100 Hùng Vương, quận 5)...
Tính đến ngày 11-4-2019, bà Ngô Thanh Nhã, Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là Chủ tịch HĐQT An Đông; bà Trương Huệ Vân, Thành viên HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng là Thành viên HĐQT An Đông.
Riêng ông Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Úc), Giám đốc, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của An Đông còn là Thành viên HĐQT CTCP Thiết kế và Trang trí nội thất NoRah.
Hiện tại, An Đông có trụ sở chính tại Tòa nhà văn phòng Vạn Thịnh Phát (193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM).
Trong khi đó, công ty mẹ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được biết đến là một tập đoàn bất động sản nổi tiếng tại Việt Nam, đồng thời cũng là một tập đoàn kín tiếng và bí ẩn nhất Việt Nam. Vạn Thịnh Phát được bà Trương Mỹ Lan, một doanh nhân người Hoa thành lập năm 1992 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát. Hiện, bà Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lĩnh vực hoạt động ban đầu của Vạn Thịnh Phát là thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Năm 2007, Vạn Thịnh Phát đã tham gia thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đầu tư An Đông, đồng thời hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam và Công ty cổ phần Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula để hình thành nên nhóm các công ty liên kết chuyên đầu tư bất động sản.
Theo thông tin được Diễn Đàn Doanh Nghiệp đăng tải, cuối năm 2019, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã tăng vốn điều lệ từ 6.000 tỉ đồng lên 13.000 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông trong nước. Cùng với đợt tăng vốn, tình hình tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng lần đầu được tiết lộ.
Theo đó, quy mô tổng tài sản của công ty mẹ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vào cuối năm 2019 là 15.464 tỉ đồng, được phân bổ vào các khoản đầu tư dài hạn (gần 11.000 tỉ đồng) và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn khoản 3.320 tỉ đồng. Ngoài số vốn điều lệ mới tăng lên 13.000 tỉ đồng, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiện có hơn 2.000 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại.
Tổng tài sản của công ty mẹ đạt trên 15.000 tỉ đồng, nhưng trên thực tế tập đoàn này đang sở hữu nhiều bất động sản và nhiều tài sản khác mà theo đánh giá sơ bộ đến hàng chục nghìn tỉ đồng.