Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Công ty Asanzo có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hoá và trốn thuế thực hư ra sao?

DTVN 07:18 30/08/2020

Các cơ quan của BTC cho biết, trong số mấy chục DN là đối tác của Asanzo thì có khả năng một số DN có người đứng đầu chính là nhân viên của Tập đoàn Asanzo, được dựng lên nhằm mục đích trốn thuế

Cho nhân viên làm người đứng đầu các công ty để trốn thuế

Các cơ quan của Bộ Tài chính cho biết, trong số mấy chục doanh nghiệp là đối tác của Asanzo thì có khả năng một số doanh nghiệp có người đứng đầu chính là nhân viên của Tập đoàn Asanzo, được dựng lên nhằm mục đích trốn thuế.

Sáng 28/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành chức năng để hoàn thiện báo cáo về vụ việc Công ty CP tập đoàn Asanzo.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, đến nay đã xác định được dấu hiệu vi phạm liên quan đến hoạt động của Công ty CP Asanzo.

Cụ thể là dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa. Theo kết quả kiểm tra của lực lượng hải quan, Công ty CP đầu tư công nghệ điện tử Asanzo mở 3 tờ khai xuất khẩu 661 ti vi mang thương hiệu Asanzo sang Nhật Bản gồm cả các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa và khai báo xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng có đến 98% giá trị của mặt hàng ti vi xuất khẩu sang Nhật Bản từ linh kiện nhập khẩu của Trung Quốc (do Công ty mua lại từ nhiều đối tác), chỉ khoảng 2% đến từ quá trình lắp ráp trong nước.

Đối chiếu với quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP, mặt hàng ti vi xuất khẩu mang thương hiệu Asanzo nêu trên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

"Dây chuyền lắp ráp chỉ có 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m (diện tích 45m2) mỗi bàn để vừa 1 ti vi 50 inch, 1 phòng test bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp được thực hiện thủ công băng cách lắp vít, không lắp cấu hình chính", lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.

Đáng chú ý, "dây chuyền" này được Công ty Asanzo sử dụng và lắp ráp ti vi, vừa lắp ráp điều hòa nhiệt độ. Trong đó, việc hoàn chỉnh lắp ráp 1 chiếc ti vi khoảng 25 phút với 12 người thực hiện và 30 người phụ trợ…

Bên cạnh dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hoá, đại diện Tổng cục Thuế nhận định, Asanzo có còn hành vi trốn thuế, được thể hiện ở việc không xuất hoá đơn VAT, mua linh kiện thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hoà nhiệt độ - mặt hàng không thuộc diện chịu thuế.

Theo đó, dựa vào sổ sách, công ty con xuất bán cho Asanzo mặt hàng điều hoà nhiệt độ, nhưng không xuất hoá đơn VAT và Asanzo cũng không kê khai VAT.

Thứ hai là hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, trong đó ghi thành phẩm điều hoà nhưng Asanzo nhập là linh kiện.

Vi phạm thứ 3 là ghi hoá đơn cao hơn với mục đích trốn thuế.

Đáng chú ý, đi diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, có nhiều công ty có quan hệ với Asanzo đều do người của Asanzo đứng tên.

"Các lãnh đạo đều là nhân viên của Asanzo, sau đó hoá đơn được lập cao hơn giá thực tế nhằm trốn nghĩa vụ thuế", đại diện Tổng cục Thuế nhận định.

Song song với đó, qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền trong các giao dịch được chuyển thẳng người nhà lãnh đạo Asanzo.

Hiện số tiền rút ra hơn 500 tỷ đồng, hiện các công ty này không còn ở địa chỉ kê khai ở cơ quan thuế, do đó cơ quan thuế không thể xác minh thêm và hiện đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan của Bộ Công an.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, đến nay VCCI chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ của Asanzo và dữ liệu của tổ chức này cũng cho thấy chưa cấp chứng nhận xuất xứ cho Asazo.

Kết quả điều tra vụ Asanzo gửi Tổng Cục Hải quan

Từ kết quả điều tra ban đầu, C03 đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với Công ty Asanzo và các công ty liên quan nhập khẩu các lô hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và linh phụ kiện hàng hóa để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo. Nếu có dấu hiệu tội phạm "buôn lậu" hoặc "trốn thuế" thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC03) để điều tra theo thẩm quyền.

Đối với hành vi có dấu hiệu buôn lậu và trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng của Asanzo, C03 đã chuyển hồ sơ cho PC03 để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.

Theo thông báo kết quả về hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam của hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, C03 cho rằng do pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước, cũng chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" nên việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, ghi nhãn "Sản xuất tại Việt Nam", hoặc "Chế tạo tại Việt Nam", "Nước sản xuất Việt Nam", "Xuất xứ Việt Nam" hoặc "Sản xuất bởi Việt Nam" là phù hợp quy định.

Việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" và "Hàng Việt Nam chất lượng cao" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo để xác định có hay không hành vi lừa dối khách hàng, theo kết quả điều tra, mặc dù Tập đoàn Sharp xác định không có việc Công ty Sharp - Roxy ký hợp đồng dịch vụ với Asanzo vào ngày 24-1-2017 và càng không có việc Công ty Sharp - Roxy ký thư xác nhận hợp tác với Công ty Asanzo như công ty này công bố trong buổi họp báo vào tháng 9-2019 nhưng đến nay Bộ Công an chưa nhận được bất cứ đơn tố cáo hay tố giác Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo. Các công ty là đại lý, nhà phân phối và tiêu thụ các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo cũng đều xác nhận không vì câu slogan của các sản phẩm của Asanzo để làm đại lý phân phối, tiêu thụ sản phẩm của Asanzo mà căn cứ vào chất lượng, giá cả của các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo để bán hàng.

Kết luận của C03 cũng cho rằng chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ "Trung Quốc" đội lốt hàng hóa có xuất xứ "Việt Nam" tại thị trường Việt Nam. Do đó, chưa có căn cứ xác định Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cong-ty-asanzo-co-dau-hieu-vi-pham-xuat-xu-hang-hoa-va-tron-thue-thuc-hu-ra-sao-d81562.html

Bạn đang đọc bài viết Công ty Asanzo có dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hoá và trốn thuế thực hư ra sao? tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh