Suất ăn Hàng không Nội Bài báo lãi quý 1 chỉ bằng 1/13 cùng kỳ
Ngành hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19. Do vậy, việc các doanh nghiệp hàng không ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn này không nằm ngoài dự đoán. CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (UpCOM: NCS) công bố báo cáo tài chính quý 1/2020 với doanh thu thuần 113,3 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước trong khi giá vốn hàng bán chỉ giảm 25% nên lợi nhuận gộp đạt 12,3 tỷ đồng giảm 56% so với quý 1/2019.
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng tương đối từ mức 194 triệu đồng lên 1,2 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí lãi vay phát sinh đến 6,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm mạnh từ hơn 1,5 tỷ xuống còn 346 triệu do chi phí chăm sóc khách hàng giảm, còn chi phí QLDN giảm 8% xuống còn 5,4 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế NCS thu về gần 1 tỷ đồng, giảm tới 94% so với mức 13 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Theo giải trình từ phía Công ty, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid 19 đã lan ra nhiều quốc gia và tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh tế xã hội toàn cầu và Việt Nam. Do vậy sản xuất kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng trực tiếp do các hãng Hàng không cắt, hủy chuyến bay đi và đến sân bay Nội Bài đã dẫn đến lợi nhuận của Công ty giảm.
Về NCS, Công ty được thành lập vào năm 1978, là đơn vụ cung cấp dịch vụ cung ứng suất ăn hàng không lần đầu tiên xuất hiện tại Nội Bài khi Sân bay quốc tế Nội Bài bắt đầu chuyển sang khai thác hoạt động bay thương mại. Hiện, NCS có vốn điều lệ gần 180 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sở hữu 60,18%, CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) nắm 10,03% vốn, Công ty TNHH MTV Suất ăn Hàng không Việt Nam nắm 1,7% vốn cùng một số nhà đầu tư khác (nắm 28,09% vốn còn lại).
Suất ăn Hàng không Nội Bài ghi nhận lỗ 19 tỷ đồng trong quý 2
CTCP Suất ăn hàng không Nội Bài (mã chứng khoán NCS) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2020 trong đó doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh so với cùng kỳ.
Đối với Suất ăn hàng không Nội Bài, doanh thu thuần quý 2 đạt chưa đến 32 tỷ đồng, bằng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu đối với bên liên quan là Tổng công ty Hàng không Việt Nam đạt 27,8 tỷ đồng – giảm sâu so với doanh thu 94 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2 năm ngoái.
Doanh thu giảm, nhưng chi phí vẫn phải duy trì, do vậy Suất ăn hàng không Nội Bài lỗ gộp gần 10 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trừ thêm chi phí khác, công ty lỗ 19 tỷ đồng trong quý 2/2020, trong khi quý 2 năm ngoái vẫn lãi sau thuế 11,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 doanh thu thuần đạt 145 tỷ đồng, bằng 44% cùng kỳ. Và báo lỗ 17,7 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm ngoái lãi sau thuế 24,3 tỷ đồng.
Trước đó, dự báo tình hình khó khăn do dịch bệnh, Suất ăn Hàng không Nội Bài đã đặt mục tiêu khiêm tốn cho năm 2020 với việc cung cấp khoảng 3,79 triệu suất ăn trong năm, giảm 53% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu doanh thu 360 tỷ đồng và dự kiến lỗ gần 20 tỷ đồng trong cả năm. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Suất ăn Hàng không Nội Bài đã "dùng" gần hết chỉ tiêu lỗ đã thông qua trước đó.
Nhấn mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 là “chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tất cả các quốc gia, nền kinh tế thế giới. Đến nay, theo ước đoán của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), thiệt hại hàng không toàn cầu đã lên tới 200 tỷ USD. Các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi hiện có 250 chiếc tàu bay, trong dịch COVID-19 chỉ khai thác 1 - 2% đội bay. Hiện nay, hàng không Việt Nam chỉ khôi phục được một phần và còn khoảng 70 - 80% đội tàu bay vẫn đang nằm đất.
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, khả năng thanh khoản của tổng công ty ngày càng trở nên khó khăn do dòng tiền thu nhập từ doanh thu cung cấp dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh việc sụt giảm doanh thu do sụt giảm sản lượng, chỉ tiêu doanh thu của VATM tiếp tục ảnh hưởng do các hãng hàng không gặp khó khăn về tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán giá dịch vụ điều hành bay cho VATM. Hiện đã có một số hãng hàng không đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay. Một số hãng hàng không còn nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán được. Điều này gây khó khăn lớn cho hoạt động của VATM.
Chính vì vậy, để vực dậy ngành hàng không vào giai đoạn này thì sự hỗ trợ của Chính phủ là rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các hãng hàng không có vốn để khôi phục lại các dịch vụ. Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính các đơn vị. Đề cập đến việc Bộ Tài chính vừa có thông tư quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, trong đó giảm nhiều loại phí đến hết năm nay, ông Thắng cho rằng, đây là một cú hích cả về tinh thần và vật chất để các hãng hàng không có quyết tâm vượt qua khó khăn này.
Hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hỗ trợ sau dịch bệnh. Các vấn đề thuế, phí chỉ là cú hích hay hỗ trợ, quan trọng là hỗ trợ dài hạn không phải chỉ là giảm thuế phí mà chính là thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để cho các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong quá trình dịch bệnh để khôi phục lại sản xuất kinh doanh và khi đó các hãng có lãi mới có thể phát triển lại được thị trường. Cục Hàng không sẽ hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tốt nhất cho các hãng khôi phục thị phần nội địa; kiến nghị các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp trong ngành có các gói giảm giá, giãn, thậm chí là miễn giá; làm việc với các ngân hàng có các gói vay ưu đãi cho các hãng hàng không có tiền để chi trả các chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ