Ngành hàng không lỗ nặng mùa Covid
Được mệnh danh là lĩnh vực siêu lợi nhuận những năm gần đây, doanh nghiệp hàng không đang đứng trước một cơn bĩ cực chưa từng có tiền lệ - dịch Covid-19. Dự báo bởi Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), toàn ngành sẽ bị giảm doanh thu 314 tỷ USD. Song, chỉ tính đến tháng 6 con số ảnh hưởng thực tế đã lên tới 419 tỷ USD. Theo đó, ước tính các hãng hàng không sẽ lỗ 84 tỷ USD trong năm 2020, năm 2021 dự tiếp tục lỗ hàng chục tỷ USD; phải đến giữa năm 2022 mới quay trở về quy mô như năm 2019.
Trong nước, thống kê toàn ngành trong 3 tháng đầu năm (giai đoạn dịch vừa bùng phát sau Tết âm lịch) đã tổn thất hàng chục ngàn tỷ đồng. Tính riêng trên từng doanh nghiệp, với quy mô hàng trăm máy bay lớn nhỏ, đơn giá chi phí (bảo trì, thuế, lãi vay…) lên đến hàng triệu USD/đơn vị, Vietjet Air (VJC), Vietnam Airlines (HVN) đang phải gồng phí hàng chục triệu USD hàng tháng, trong khi doanh thu gần như tê liệt.
Kết quả kinh doanh đồng loạt thua lỗ nặng trong quý đầu năm không nằm ngoài dự đoán. Sang quý 2, ngoại trừ Vietjet có lãi lớn nhờ đẩy mạnh hoạt động thương mại tàu bay và hoạt động tài chính thì kết quả kinh doanh chung của toàn ngành – từ sân bay, các hãng hàng không đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ - tiếp tục bị tác động nặng nề.
Chi tiết, quý 2/2020 Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần 6.000 tỷ đồng, chỉ bằng ¼ so với con số hơn 24.100 tỷ đồng của cùng kỳ. Theo Công ty, do tác động của Covid-19, doanh thu hành khách nội địa của riêng công ty mẹ giảm 57,7% so với quý 2/2019; doanh thu hành khách quốc tế giảm 96,6%; doanh thu thuê chuyến giảm 89%. Trừ đi các chi phí khác, Vietnam Airlines lỗ trước thuế gần 4.000 tỷ đồng trong quý 2 – đây là mức lỗ kỷ lục không chỉ trong 1 quý mà còn là trong một năm đối với một doanh nghiệp niêm yết.
Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines đạt 24.800 tỷ doanh thu, giảm 50% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt -6.534 tỷ đồng.
Vietjet cũng báo lỗ gần ngàn tỷ trong quý đầu năm nhưng sang quý 2/2020 bất ngờ với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.063 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng năm trước và cải thiện đáng kể so với mức lỗ 989 tỷ đồng của quý 1 do nguồn thu từ hoạt động tài chính cùng hoạt động thương mại máy bay (SLB). Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt 12.200 tỷ doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 73 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh chính là vận tải hàng không, giống như các doanh nghiệp trong ngành, Vietjet vẫn chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh thu kinh doanh vận tải hàng không của riêng công ty mẹ giảm 80% trong quý 2 xuống 1.970 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế -1.122 tỷ đồng.
Năm 2020, Vietjet trình chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng – Công ty là đơn vị trong ngành duy nhất đặt kế hoạch có lợi nhuận. Thông tin thêm, Vietjet nhấn mạnh giai đoạn Covid-19 sẽ không những dừng mà tiếp tục các chương trình mua, sở hữu tàu bay, bởi những chính sách tốt của Nhà nước cũng giúp hãng có điều kiện phát triển đội tàu.
Ngược lại, về phía Vietnam Airlines, năm 2020 trên giả định được Chính phủ cho vay 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines ước tính dư tiền cuối kỳ của công ty mẹ 397 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 40.586 tỷ đồng, giảm 40,5% so với thực hiện năm 2019. Lỗ sau thuế là 15.177 tỷ đồng.
Không công bố con số cụ thể nhưng khó khăn của Bamboo Airways cũng thể hiện rõ qua kết quả hợp nhất của công ty mẹ FLC Group. Trong quý 2, doanh thu hợp nhất của FLC Group giảm 47% xuống 1.722 tỷ đồng và lỗ sau thuế 838 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp này cũng lỗ gần 1.900 tỷ trong quý 1.
Sự sụt giảm mạnh của các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế đã khiến doanh thu quý 2 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ bằng ¼ cùng kỳ dẫn đến khoản lỗ ròng 354 tỷ trong khi quý 1 vẫn lãi hơn 1.500 tỷ đồng.
Những cái tên thua lỗ khác gồm có Suất ăn hàng không Nội Bài – NCS (lỗ 19 tỷ quý 2), Taseco Airs (-13 tỷ), Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh – CIAS (-13 tỷ) và Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng – Masco (-6 tỷ). Vẫn giữ được lợi nhuận dương nhưng CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn và CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco cũng chứng kiến mức sụt giảm nặng nề.
Logistics vẫn giữ trạng thái bình ổn
Trong khi đó, kết quả khả quan nhất thuộc về nhóm các doanh nghiệp logistics hàng không, chủ yếu phục vụ hoạt động bốc xếp, vận chuyển hàng hóa tại các nhà ga hàng hóa hàng không – mảng kinh doanh ít chịu tác động hơn nhiều so với vận chuyển hành khách.
Lũy kế 6 tháng, CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn – SCSC đạt 221 tỷ đồng LNST, giảm nhẹ 8% so với mức 240 tỷ đồng của nửa đầu 2019. Với kịch bản các chuyến bay quốc tế từ/đến Việt Nam sẽ không quay trở lại trong năm 2020, ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch doanh thu cả năm giảm 12% xuống 660 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 16% xuống 450 tỷ đồng.
Tương tự, lợi nhuận 6 tháng của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài – NCT cũng chỉ giảm 14% xuống 99 tỷ đồng.
Cũng hoạt động trong lĩnh vực logistics hàng không nhưng lợi nhuận của CTCP Tập đoàn ASG - doanh nghiệp đã nộp hồ sơ niêm yết vào tháng 5/2020 - ghi nhận mức sụt giảm khoảng 40% trong quý 2 và 6 tháng đầu năm. So với NCT và SCS thì ASG cung cấp nhiều dịch vụ hơn thay vì tập trung khai thác nhà ga hàng hóa nên mức độ tác động bởi đại dịch lớn hơn.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ