Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

'Vietnam Airlines không cần xin giải cứu' - Nhận định này không đúng bản chất vấn đề

Mai Hương(T/H) 17:31 13/07/2020

Ông Thành cũng ví von: “VNA là bông hoa khá đẹp trên một cây hoa khỏe. Chẳng qua bị một cơn mưa quá lớn nên tạm thời đang khó, nhưng nếu được chăm sóc thì nhất định sẽ phục hồi”.

'VNA là bông hoa khá đẹp trên một cây hoa khỏe. Chẳng qua bị một cơn mưa quá lớn nên tạm thời đang khó'

Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt được dịch Covid-19, việc giãn cách xã hội cũng đã được xoá bỏ, mở ra cơ hội cho ngành hàng không, du lịch "thoát" khỏi bờ vực phá sản vì thị phần giảm tới 90%. Tuy nhiên, dù không bay, Vietnam Airlines vẫn phải trả tiền thuê, trả nợ vay, trả khấu hao, bảo dưỡng tàu bay...

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Hàng không Việt Nam tính toán, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, vừa qua và hiện nay có tới 98% máy bay bị ngừng hoạt động, số tiền thiệt hại theo các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó của Cục Hàng không Việt Nam.Ước tính, chỉ trong 1 tháng không bay hãng lỗ 2.100 tỷ đồng/tháng.

Vietnam Airlines bị thiệt hại rất nặng nhưng trụ được đến nay là do trước Covid-19, Vietnam Airlines có tiềm lực rất mạnh, năm 2019, hãng ghi nhận mức lãi trên 3.200 tỷ đồng, và có dòng tiền dương ổn định trong ngân hàng. Đối với các hãng không khác đang nợ tiền ví dụ như Thái Airways họ không đủ tiềm lực duy trì nên buộc phải phá sản.

Chiều ngày 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Toạ Đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19 trong trường hợp Vietnam Airlines”. Tại toạ đàm, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cũng nhận định rằng Vietnam Airlines đang rơi vào tình cảnh khó khăn và đây là bối cảnh chung đối với ngành hàng không trên toàn cầu.

Sau khi có các hỗ trợ của Chính phủ và với vai trò quản lý nhà nước, VNA đã làm tất cả các việc có thể làm như cắt giảm chi phí, tổ chức lại lao động, giãn hoãn thanh toán, kết quả kinh doanh là lỗ 15.000 tỷ đồng. Dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, VNA sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò là chủ sở hữu.

Đứng trước khó khăn, các hãng hàng không cũng đã kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ và các Bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ miễn giảm nhiều loại thuế phí để giúp ngành hàng không thoát khỏi suy thoái. Trong đó, VNA đề nghị Chính phủ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

“Khi cần mà khó khăn, thì đầu tiên là phải quay về cầu cứu chủ sở hữu thôi. Bên cạnh đó, VNA đã và đang phải thực hiện các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao”, lãnh đạo VNA giãi bày.

Tình trạng hiện nay là do hậu quả của dịch Covid-19, bởi các năm trước đó, VNA phát triển rất tốt. Tổng Giám đốc VNA khẳng định, vượt qua giai đoạn thiếu vốn trước mắt, VNA sẽ phục hồi và phát triển bền vững sau khủng hoảng.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Bày tỏ niềm lạc quan vào tương lai của Vietnam Airlines, Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cũng ví von: “VNA là bông hoa khá đẹp trên một cây hoa khỏe. Chẳng qua bị một cơn mưa quá lớn nên tạm thời đang khó, nhưng nếu được chăm sóc thì nhất định sẽ phục hồi”.

Vietnam Airlines không cần phải xin giải cứu

Đại diện Tổ tư vấn kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung nêu nhận định, vừa qua, Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không với vai trò quản lý nhà nước, nhưng chưa có các triển khai giải pháp với vai trò là chủ sở hữu của VNA.

TS Nguyễn Đình Cung nêu ra 3 phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp. Phương án thứ nhất là tăng vốn điều lệ: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư vào VNA. Phương án thứ 2 là chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Phương án thứ 3 là vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước.

Theo chuyên gia này, cả 3 phương án đều cần có cơ chế đặc thù, nhưng đều có cơ sở pháp lý và đều có tính khả thi.

Ở phương án 1, điều cần lưu ý là phần vốn do SCIC đầu tư vào VNA cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Phương án 2, việc chuyển giao vốn nhà nước về VNA có cơ sở pháp lý, nhưng phải được thông qua tại đại hội đồng cổ đông.

Cuối cùng, với phương án 3, mọi phương án vay Chính phủ cũng cần có sự thống nhất ý kiến, sự chấp thuận từ đại hội đồng cổ đông và các bộ liên quan theo đúng trình tự pháp luật hiện hành.

Lý giải thêm về việc chọn VNA như một trường hợp điển hình, TS Cung cho biết, các hãng hàng không đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, trong đó VNA lại là hãng hàng không quốc gia. “Tuy bây giờ đang gặp khó, nhưng VNA hoàn toàn có thể trở thành nhân tố “đẩy” tăng trưởng rất hiệu quả”, TS Nguyễn Đình Cung nói. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các Chính phủ đều nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp của mình, với cả hai vai trò: quản lý nhà nước và thành viên, cổ đông góp vốn.

Theo ông Cung, Vietnam Airlines không cần phải xin giải cứu, nhận định này không phản ánh đúng bản chất vấn đề. Trước những biến động bất thường từ đại dịch Covid-19, chủ sở hữu nhà nước (hiện nắm giữ hơn 86% vốn điều lệ) cần có biện pháp bảo vệ khoản đầu tư của mình.

Đồng thời xem đây là cơ hội đầu tư để vượt qua biến động bất thường, nhưng không phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp.

Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đều đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ Vietnam Airlines, cả trên vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu doanh nghiệp. Bởi vai trò của Vietnam Airlines nói riêng, ngành hàng không nói chung đối với nền kinh tế là rất khẩn thiết.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/vietnam-airlines-khong-can-xin-giai-cuu--nhan-dinh-nay-khong-dung-ban-chat-van-de-d79020.html

Bạn đang đọc bài viết 'Vietnam Airlines không cần xin giải cứu' - Nhận định này không đúng bản chất vấn đề tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp