Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).

Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.

9 năm để trả nợ cho China EximBank

Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.

Việt Nam có 9 năm để trả nợ cho China EximBank bắt đầu từ tháng 1/2016 đến 15/11/2025. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã trả nợ được hai năm. Còn 7 năm nữa để hoàn tất việc trả nợ gốc lẫn lãi. Mỗi một năm, kỳ hạn trả nợ chia làm hai lần, vào 21/1 đầu năm và 21/7 giữa năm.

Số tiền phải trả mỗi kỳ là 14,4 triệu USD, tương đương với 325 tỷ đồng. Như vậy, trung bình một năm, Việt Nam phải trả nợ cho Trung Quốc khoảng 650 tỷ đồng vốn vay để làm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, số tiền trả nợ trên chỉ là trả cho vốn vay bổ sung 250 triệu USD. Thực tế, trước đó, Việt Nam còn một khoản vay Trung Quốc làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 419 triệu USD.

Cũng trong văn bản này, Bộ Tài chính cho hay, sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn cho China Eximbank gốc đến hạn, lãi và phí cam kết đến hạn phải trả ngày 21/1/2018 đối với khoản tín dụng ưu đãi giá trị 250 triệu USD cho dự án, trong đó, phần cho vay lại chi tiết như sau: Dư nợ là 38,56 triệu USD.

Phải trả kỳ 21/1/2018 cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), trong đó lãi vay là hơn 580 nghìn USD, gốc là 2,4 triệu USD.

Còn phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229,5 nghìn USD (5,2 tỷ đồng).

Bộ Tài chính cho biết dự án đã hoàn thành rút vốn từ hiệp định trong tháng 12/2017. Tổng số vốn vay đã rút theo cơ chế cho vay lại theo đề nghị rút vốn chi tiết từng lần của Bộ Giao thông Vận tải (Ban quản lý dự án đường sắt) là hơn 43,3 triệu USD.

Phí cam kết đối với phần vốn vay lại của Hiệp định là 657,7 nghìn USD.

Bộ Tài chính đề nghị BIDV đối chiếu lại số tiền phải trả (gốc, lãi vay, phí cam kết) của phần cho vay lại, thu từ Ban quản lý dự án Đường sắt và chuyển trả vào tài khoản của Quỹ tích luỹ trả nợ.

Thúc tiến độ 2 tuần/lần

Về giải pháp, ngoài thúc tiến độ với Tổng thầu, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan ngoại giao Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ, thúc ép Tổng thầu thực hiện theo đúng các quy định của Việt Nam.

Được biết, hiện 2 tuần/lần, Bộ GTVT sẽ họp với Tham tán công sứ thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án. Qua đó đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu và các bên liên quan thực hiện.

Còn ông Vũ Hồng Trường, TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đã sẵn sàng tiếp nhận dự án để khai thác. Hiện đơn vị đã thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện giám sát vận hành và chuyên giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/duong-sat-cat-linh--ha-dong-ngon-khoang-650-ty-nam-tra-no-trung-quoc-d69257.html

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngốn khoảng 650 tỷ/năm trả nợ Trung Quốc tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị