Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết thi công đúng tiến độ, thế nhưng...
Gần đây, PV liên tục nhận được phản ánh của bà con về tình trạng rác thải, đất cát nhếch nhác trên tuyến đường trọng điểm dài 2,6km nối đường vành đai 2 và 3 do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư thuộc địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, TP Hà Nội).
Theo ghi nhận, con đường này bị đất cát và rác thải bủa vây, chất đống dọc đường. Thậm chí có những đoạn đường bị "tận dụng" để chất vật liệu xây dựng. Xe tải chở đất, xe rác chạy đêm ngày khiến ngày nắng thì bụi bay mù đường, ngày mưa thì bùn đất lầy lội, lớp nhớp.
Xe tải chở đất, xe rác chạy đêm ngày khiến ngày nắng bụi bay mù đường. |
Nhiều đoạn mặt đường còn bị lồi lõm do mỗi ngày "cõng" hàng chục lượt xe tải chở vật liệu di chuyển qua. Những chiếc xe tải chở vật liệu chạy qua con đường này với tốc độ rất nhanh, nhưng không che chắn thùng để bụi bẩn vương vãi khắp đường... Tình trạng này khiến cho việc lưu thông qua đoạn đường này trở nên nguy hiểm, khó khăn.
Trong khi đó, đây lại là tuyến đường chạy qua một số khu đô thị hiện đại và có nhiều phương tiện lưu thông hàng ngày như Khu đô thị của Tập đoàn Sunshine, Khu đô thị Ciputra. Đáng buồn hơn, con đường này còn chạy qua tòa nhà Lạc Hồng, đây là tòa nhà tái định cư có nhiều cán bộ của Quận Tây Hồ đang cư trú, thế nhưng không hiểu vì sao con đường này cũng không được quan tâm mà ngày càng trở nên nhếch nhác.
Được biết, đây là tuyến đường nằm ở ranh giới phía Bắc của dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, tuyến đường được xem là tuyến giao thông huyết mạch của quận Tây Hồ, phục vụ nhu cầu dân sinh cho người dân trong khu vực. Điểm đầu tuyến đường từ nút giao với cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng – Tây Hồ), điểm cuối nối với nút giao cầu Thăng Long (xã Đông Ngạc – Từ Liêm).
Vào năm 2014, UBND quận Tây Hồ phối hợp với liên danh Công ty TNHH phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long – Tổng Công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Hà Nội, tiến hành khởi công, xây dựng. Thời gian thi công trong 180 ngày.
Khi tiến hành khởi công xây dựng, chủ đầu tư và nhà thầu cam kết, sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai thực hiện dự án an toàn, đúng tiến độ, đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng công trình.
Thế nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thành, con đường trở thành "điểm đen" phản cảm về sự nhếch nhác, ô nhiễm, gây nhiều bất tiện cho người dân trong khu vực. Đặc biệt, nằm giữa con đường này hiện vẫn còn gần 20 hộ dân sống trong cảnh bất an, nằm trong diện giải tỏa nhưng chưa được giải tỏa nên vẫn chưa thể thông đường.
Trao đổi trên Quân đội Nhân dân, bà Phạm Thị Quyến ở tổ 3, cụm 1, phường Phú Thượng bức xúc cho biết: “Gia đình chúng tôi sống ở đây từ năm 1985, đến năm 1999 được thông báo là đất nằm trong diện quy hoạch dự án. Tưởng rằng chính quyền địa phương và chủ đầu tư sẽ kê khai, kiểm đếm đền bù để chúng tôi chuyển đến nơi khác an cư, thế nhưng, từ đó đến nay gia đình chúng tôi vẫn ở đây, nhà cửa thì không được sửa chữa, cũng không được cấp sổ đỏ. Chính quyền và chủ đầu tư cũng không có văn bản chính thức nào trả lời chúng tôi về việc này”.
Trách nhiệm không phải của Chủ đầu tư, cũng không phải của Chính quyền?
Trao đổi kĩ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, kiến trúc sư Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư và làm được con đường sạch đẹp. Bây giờ việc quản lý phải do chính quyền địa phương. Chúng tôi không thể cấm và ngăn chặn người dân bày đào ra đường để bán, cấm họ vứt rác thải ra đường.
Hiện nay, chưa thể thông đường do vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng muốn giải phóng mặt bằng để làm cho xong con đường nhưng chưa thực hiện được”.
Về phía Chính quyền địa phương, ông Bùi Tuấn Dương, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng lại cho hay: “Hiện nay, UBND quận Tây Hồ đã trình phương án đền bù giải phóng mặt bằng lên UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng TP Hà Nội. Sau khi bố trí được quỹ nhà tái định cư sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng.
Tuyến đường vẫn chưa thi công xong và chưa được chủ đầu tư bàn giao cho chính quyền địa phương nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm dọn dẹp và xử lý vấn đề ô nhiễm bụi bẩn của con đường. Chúng tôi đã làm việc, yêu cầu chủ đầu tư có phương án để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh trên tuyến đường".
Như vậy, theo như trao đổi trên, thì trách nhiệm dọn dẹp và xử lý ô nhiễm trên con đường này không phải của Chủ đầu tư, cũng không phải của Chính quyền địa phương. Vậy, đâu sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trong khi hàng chục hộ dân sinh sống tại đây đã hứng chịu ô nhiễm trong thời gian dài, và người dân lưu thông qua con đường này gặp nhiều rắc rối, khó khăn?
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ