Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại hoãn chạy thử vì thiếu thủ tục an toàn

DTVN 07:17 22/12/2019

Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án. Nên phía chủ đầu tư không đồng ý cho Tổng thầu thực hiện vận hành thử toàn hệ thống. Do đó, tới nay dự án vẫn chưa thể vận hành thử.

Mục tiêu tháng 12/2019 khai thác thương mại

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm hồi giữu tháng 11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nếu như mọi việc suôn sẻ, cuối tháng 12 năm nay dự án sẽ được đưa vào khai thác thương mại. Metro Hà Nội đang chạy thử với tần suất như khai thác thương mại khoảng 20 ngày, sau đó các đơn vị liên quan sẽ đánh giá, chuẩn bị nghiệm thu.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học về đường sắt cho rằng, mặc dù dự án đã xây dựng xong cơ bản với khối lượng xây lắp đạt 99% nhưng để các đoàn tàu chạy thương mại (chở khách chính thức), dự án phải được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu, đánh giá về độ an toàn, nguồn gốc xuất xứ của các hạng mục thiết bị.

“Việc nghiệm thu này phải được triển khai trên toàn bộ dự án chứ không phải từng hạng mục, từng bộ phận như hiện nay. Chưa có nghiệm thu và chưa kiểm định thì không ai dám cho đoàn tàu vào chở khách ”, ThS Nguyễn Văn Tình, Hội Kinh doanh vận tải đường sắt nhấn mạnh.

GS.TS Từ Sỹ Sùa, Khoa Vận tải kinh tế, Trường Đại học GTVT cũng cho biết, đường sắt đô thi đi vào hoạt động là mong muốn nhiều năm nay của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, lòng kiên nhẫn này đang cạn dần khi dự án nhiều lần lỡ hẹn và đến nay vẫn chưa thể hoạt động chính thức.

Đề cập tiến độ vừa được ông Chung đưa ra, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, tuy muộn nhưng nếu thực hiện được vẫn có ý nghĩa rất lớn với giao thông Hà Nội. Dù vậy ông cũng cho rằng, với khối lượng công việc và những vướng mắc về kỹ thuật của dự án còn lại quá lớn, có thể tiến độ mà Chủ tịch thành phố Hà Nội đưa ra chỉ là mục tiêu để phấn đấu. Còn thực tế, không ai dám đưa dự án trong đó có các đoàn tàu chưa được nghiệm thu kỹ thuật vào hoạt động.

Vẫn chưa thể hoạt động

Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) – đại diện Chủ đầu tư dù dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho hay, theo kế hoạch, từ ngày 29/11, Tổng thầu EPC (Cty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) bắt đầu thực hiện các công tác cho việc vận hành thử toàn hệ thống, thời gian chuẩn bị khoảng 5 ngày.

Sau đó, trong 20 ngày, các bộ phận, nhân sự liên quan tới vận hành tuyến đường sắt sau này sẽ được đưa vào để thực hiện công việc như vận hành như khi khai thác thương mại sau này, với các đoàn tàu chạy liên tục. Đây là cơ sở để thực hiện nghiệm thu, bàn giao dự án cho phía Hà Nội khai thác thương mại.

Tuy nhiên, sau 5 ngày, phía Tổng thầu EPC vẫn chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án. Nên phía chủ đầu tư không đồng ý cho Tổng thầu thực hiện vận hành thử toàn hệ thống. Do đó, tới nay dự án vẫn chưa thể vận hành thử, và gần như chắc chắn dự án sẽ không thể hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong năm 2019.

Lý giải cho quyết định trên, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt cho hay, đường sắt đô thị là loại hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, công nghệ lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, bắt buộc phải có phương án an toàn khai thác do Tổng thầu xây dựng để làm căn cứ giám sát, nghiệm thu, quy trách nhiệm.

“Dù chịu nhiều áp lực, nhưng không vì tiến độ mà chúng ta bỏ qua vấn đề an toàn”, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đường sắt khẳng định. Vì vậy, phía chủ đầu tư đang yêu cầu Tổng thầu hoàn thiện phương án an toàn, sau đó mới cho chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Sau thời gian chạy thử này, đơn vị kiểm định độc lập tiếp tục đánh giá để làm cơ sở tiến tới nghiệm thu dự án và ban giao cho Hà Nội khai thác thương mại.

Đại diện chủ đầu tư cũng chưa thể khẳng định được khi nào dự án sẽ được nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác thương mại.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, trong thời gian dự án kéo dài, Tổng thầu vẫn phải bố trí nhân sự tại dự án và chịu trách nhiệm trả lương, phía Việt Nam không phải chi thêm phần chi phí này, do đây là hợp đồng trọn gói.

Về giải pháp, ngoài thúc tiến độ với Tổng thầu, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan ngoại giao Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ, thúc ép Tổng thầu thực hiện theo đúng các quy định của Việt Nam.

Được biết, hiện 2 tuần/lần, Bộ GTVT sẽ họp với Tham tán công sứ thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) để kiểm điểm tình hình thực hiện dự án. Qua đó đôn đốc, chỉ đạo Tổng thầu và các bên liên quan thực hiện.

Còn ông Vũ Hồng Trường, TGĐ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, đã sẵn sàng tiếp nhận dự án để khai thác. Hiện đơn vị đã thuê chuyên gia nước ngoài để thực hiện giám sát vận hành và chuyên giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông dài 13,5km, tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD sau đó tăng lên 891,9 triệu USD. Dự án sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và đối ứng của Việt Nam, bằng hợp đồng vay ký lần đầu năm 2008, sau đó ký vay bổ sung năm 2017, khởi công tháng 10/2011. Tới nay, dự án đã trải qua 5 đời Bộ trưởng GTVT, gồm các ông: Đào Đình Bình, Hồ Nghĩa Dũng, Đinh La Thăng, Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-lai-hoan-chay-thu-vi-thieu-thu-tuc-an-toan-d67550.html

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại hoãn chạy thử vì thiếu thủ tục an toàn tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Theo phê duyệt, khu đô thị tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có diện tích khoảng 300ha, thuộc các xã Phương Liễu, Nhân Hòa và Đại Xuân. Dự kiến, dân số của khu đô thị vào khoảng 25.000 - 45.000 người.