Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Phát triển bất động sản xanh: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý

DTVN 20:03 13/12/2019

Những năm gần đây, trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, môi trường sống ngày càng ô nhiễm, sống xanh trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam là 57%, gia tăng đáng kể so với 2018 là 36%, điều này sẽ kéo theo thách thức về giải pháp kết nối về nhà ở, giao thông, hệ thống cung cấp năng lượng và nước sạch, khan hiếm về vật liệu xây dựng và hơn hết là chất lượng không khí.

Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong tình trạng báo động “đỏ” về ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Chính vì vậy, việc phát triển bất động sản xanh đang được khuyến khích.

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, bất động sản xanh sẽ là xu hướng phát triển bất động sản trong thời gian tới tại Việt Nam khi đời sống người dân ngày càng tăng lên.

Ông Nam cũng cho biết báo cáo về xu hướng công trình xanh năm 2018 do Tập đoàn Dữ liệu và phân tích Dodge của Mỹ (Dodge Data & Analytics) đưa ra những nhận định khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Cụ thể, các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021.

Khảo sát cũng cho thấy sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.

Hiện nay tại Việt Nam đang có 4 hệ thống đánh giá công trình xanh gồm: Leed của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore; Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; Edge của Tổ chức Tài chính ngân hàng thế giới (IFC).

Các hệ thống tiêu chí đánh giá này đều được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới với 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy các công trình xanh hay các tiêu chí của công trình xanh như Lotus, Leed đều do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó cần thiết phải có hành lang pháp lý và xây dựng quy chuẩn chung về công trình xanh để các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo.

Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia Đỗ Thanh Tùng cho rằng, hiện công trình xanh, hay các tiêu chí công trình xanh như: Lotus, Leed là do các chủ đầu tư tự công nhận, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó cần phải xây dựng quy chuẩn chung, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo.

"Tôi nghĩ nên có hành lang pháp lý để tháo gỡ vướng mắc, đem đến cho cư dân môi trường sống tốt hơn", ông Đỗ Thanh Tùng nêu ý kiến.

Về giải pháp tạo hành lang pháp lý phát triển công trình xanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: "Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và Vụ đã đưa vào dự thảo luật để trình cấp có thẩm quyền. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng hành lang pháp lý đối với công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện. Qua đó có chính sách ưu đãi để thúc đẩy các nhà đầu tư bất động sản tham gia, phát triển công trình xanh, bảo vệ môi trường".

Theo Môi trường và Đô thị

Link gốc : https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/phat-trien-bat-dong-san-xanh-can-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-a61016.html

Bạn đang đọc bài viết Phát triển bất động sản xanh: Cần hoàn thiện hành lang pháp lý tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị