Dự án, Khu văn hóa tâm linh Lũng Cú với diện tích quy hoạch hơn 56 ha, bao gồm khu tâm linh, khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng, khu cột cờ, khu đặt đại tượng phật. Công trình do Tập đoàn Phúc Lộc đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 889 tỷ đồng.
Theo báo Tuổi Trẻ, nhìn sang phía bắc là đền Hộ Quốc (đền thờ Lý Thường Kiệt), nơi đây cũng đang xây dựng khẩn trương trên cánh đồng Thèn Pả vốn trước đây là ruộng canh tác của đồng bào. Còn phía tây của cột cờ đã được quy hoạch dựng một đại tượng Phật ở thôn Lô Chải, xã Lũng Cú, đứng bên hồ Mắt Rồng 1 của di tích cột cờ Lũng Cú.
Đây là ba hạng mục của dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) do UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt cho chủ đầu tư là Tập đoàn Phúc Lộc.
Ngoài dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, Tập đoàn Phúc Lộc đồng thời được giao thực hiện dự án xây dựng cấp bách cơ sở hạ tầng bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Dự án tại Lũng Cú. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú Vàng Mí Cấu cho biết hiện hạng mục chùa đã dựng được 6-7 tòa nhà, cơ bản đã xong. Con đường rộng 33m, dài 1,7km qua cánh đồng vào chùa đã giải phóng mặt bằng, tôn mặt đường xong. Hạng mục đền Hộ Quốc cũng đang cấp tập xây dựng nhưng "chưa đâu vào đâu". Còn hạng mục đại tượng Phật thì chưa khởi động.
Về việc phá núi xây các công trình du lịch tâm linh, ông Vàng Mí Cấu cũng thông tin: dự án được UBND tỉnh cho phép quy hoạch điểm mỏ khai thác vật liệu ngay tại chỗ.
Một đại diện của Đồn biên phòng Lũng Cú cũng cho biết dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú gồm ba hạng mục chùa, đền, đại tượng Phật nằm ở ba phía của cột cờ Lũng Cú, tạo thành thế chân vạc bao quanh cột cờ Lũng Cú. Ba hạng mục đều tựa lưng vào núi, quay mặt vào cột cờ quốc gia và mở đường đi tới cột cờ.
Như vậy ba hạng mục của dự án du lịch này đã ôm lấy ba mặt của núi Rồng nơi có cột cờ Lũng Cú. Mặt thứ 4 chính là công trình bảo vệ biên giới tại trung tâm xã Lũng Cú nằm ở phía nam.
Tập đoàn Phúc Lộc có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT. Hiện nay, Công ty này có vốn điều lệ 2.650 tỷ đồng gồm các cổ đông: ông Lương Minh Tường - nắm giữ 80%; bà Đinh Thị Hương Giang - nắm giữ 16%; ông Lương Minh Tuyên - nắm giữ 1,5%; bà Đinh Thị Bảo - nắm giữ 1,5% và ông Lương Minh Tùng - năm giữ 1%.
Tập đoàn Phúc Lộc được biết đến là chủ đầu tư nhiều dự án lớn trải dài khắp cả nước. Có thể kế đến như: dự án Khu công nghiệp Phúc Sơn với tổng mức đầu tư 859,74 tỷ đồng; Dự án khu biệt thự sinh thái và nhà ở liền kề , Phường Hồng Châu, TP Hưng Yên; Dự án Nhà máy chế biến Khoáng sản Gia Thanh; Dự án "Đường bao Đông Nam quận Hải An"; Dự án Đầu tư cải tạo nền, mặt đường và công trình Km8 – Km29 và Km40 – Km66 trên Quốc lộ 4A ở Lạng Sơn; Liên danh Cường Thịnh Thi - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Xây dựng miền Trung - CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An trúng thầu dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa; Liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn - Tập đoàn Miền Trung - Tập đoàn Phúc Lộc - Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nghi Sơn.