Ảnh minh họa |
Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.
Theo đó, cao tốc này dài hơn 28 km, có 26 cầu, song song với quốc lộ 30, điểm đầu nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, điểm cuối tại cao tốc Cao Lãnh - Vàm Cống. Trong đó, đoạn qua Tiền Giang dài 8 km, Đồng Tháp dài hơn 20 km. Giai đoạn một có mặt đường rộng 17 m với 4 làn xe; giai đoạn hai mở rộng lên hơn 32 m, 6 làn xe.
Mục tiêu của dự án này nhằm giảm tải cho quốc lộ 30, kết nối quốc lộ 1 với cao tốc phía Đông và phía Tây; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên và cả miền Tây...
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 5.500 tỷ đồng, được đề xuất theo hình thức đầu tư công. "Hồ sơ đang được hoàn tất để trình chính phủ điều chỉnh, đưa tuyến cao tốc này vào quy hoạch hệ thống cao tốc cả nước; thực hiện trong giai đoạn năm 2021 - 2025", ông Lê Quốc Dũng, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 nói.
Theo ông Dũng, trước mắt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chủ động đề xuất ngân sách địa phương góp trên 668 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng để sớm xây dựng tuyến cao tốc.
Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho biết vấn đề đầu tư ngân sách để giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc này qua địa bàn, nếu có sẽ phải trình hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
Sơ đồ tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh kết nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cao tốc phía Tây (Cao Lãnh - Vàm Cống) |
Trước đó, ngày 13/5/2019, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) và các ngành liên quan nhằm bàn phương án đầu tư dự án cao tốc từ ngã ba An Hữu (Tiền Giang) và đến TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Đây là tuyến đường quan trọng dẫn vào trung tâm tỉnh Đồng Tháp, nhất là khi cầu Vàm Cống thông xe, dự báo lưu lượng phương tiện qua tuyến đường này sẽ tăng rất cao, trong khi đường hiện hữu từ An Hữu - Cao Lãnh đã quá tải.
Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư xây dựng song song với Quốc lộ 30 hiện hữu, điểm đầu kết nối cao tốc với tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, điểm cuối nối Quốc lộ N2 đoạn Mỹ An – Cao Lãnh. Tổng chiều dài tuyến là 28 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp là 20 km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang là 8 km.
Trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được thực hiện với 4 làn xe ô tô, không có làn dừng khẩn cấp, bố trí dải phân cách giữa và hàng rào bảo vệ 2 bên, trên tuyến có 26 cầu (chiếm 15% tổng chiều dài tuyến). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự kiến, thời gian thu phí khoảng 15 năm.
Theo Nhà đầu tư