Hôm qua (1/10), tại cuộc họp báo cáo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III năm 2019, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú trả lời câu hỏi về khả năng thu xếp vốn cho DA cao tốc Bắc Nam sau khi Bộ GTVT có quyết định hủy đấu thầu quốc tế, ông Tú khẳng định vốn cho các DA BOT đang là vấn đề rất “nóng”.
Về dự án cao tốc Bắc - Nam, theo ông Phó Thống đốc NHNN, Chính phủ vừa có chỉ đạo đấu thầu rộng rãi trong nước, nên nhiều ý kiến cho rằng vốn tín dụng ngân hàng sẽ phải đặt ra khi nhà thầu trong nước tham gia.
Cao tốc Bắc - Nam. |
"Với các dự án cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn hệ thống ngân hàng sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng cân đối nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Mặt khác, các bộ ngành, địa phương cũng cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT, vị trí đặt trạm…" - ông Tú nhấn mạnh.
Theo báo Tuổi trẻ, ông Tú cho biết quy mô vốn cho vay dự án BOT giao thông và cao tốc rất lớn lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, trong cơ cấu vốn, các ngân hàng đang huy động vốn ngắn hạn mà phải cho vay trung dài hạn, mỗi dự án từ 10-15 năm như BOT thì "cũng là một bài toán khó", đặt ra vấn đề về chỉ số an toàn vốn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc Họp báo. |
Tuy nhiên, vị đại diện NHNN cũng cho biết, quan tâm như thế nào, xử lý bằng cách nào cho hợp lý đang là vấn đề ngành NH cân nhắc. “Tất nhiên không phải cả cao tốc Bắc - Nam cùng một lúc phải “xuống tiền” hết, mà sẽ từng đoạn. Về phía NH sẽ cố gắng trong điều kiện khả năng nguồn vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh cho các NH”, ông Tú nói và cho biết để làm được điều này cần phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT để không gây rủi ro như giá cả BOT và việc lập trạm…
Hàng loạt dự án BOT giao thông khác ở phía Bắc, theo ông Tú, cũng cần được giới ngân hàng quan tâm như đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỉ đồng. Cao Bằng cũng đề xuất con đường từ Đồng Đăng lên Trà Lĩnh ước 20.000 tỉ đồng. Đường đi từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) cũng cần khoảng 22.000 tỉ đồng.
Theo ANTT