Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, Bộ trưởng nói thiếu kinh nghiệm

Báo Dân việt 11:21 21/10/2019

Báo cáo với Quốc hội về hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết là đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam.

Điểm ra hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, Bộ GTVT đã có báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, 7, Quốc hội khóa XIV và Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII.

Trong thời gian vừa qua, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm có 47 công trình, trong đó đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 23 công trình. Các công trình đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình.

Việc đưa các công trình quy mô lớn, đạt chất lượng cao vào khai thác sử dụng một mặt đã đáp ứng được nhu cầu của người dân quanh khu vực dự án đi qua, mặt khác góp phần rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng miền, các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo quốc phòng – an ninh khu vực, bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án.

Tuy nhiên, vẫn còn lại 24 dự án chưa hoàn thành, trong đó chưa khởi công 13 dự án (gồm 10 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông; đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) và đang triển khai thi công 11 dự án.

Về các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai trong thời gian qua phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, tăng lớn so với phê duyệt ban đầu, kéo dài thời gian thực hiện dẫn tới giảm hiệu quả đầu tư chủ yếu tập trung ở các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, thực hiện qua nhiều năm và đã được phê duyệt, triển khai từ giai đoạn trước, điển hình là các dự án đường sắt đô thị”.

“Giai đoạn từ năm 2016 trở lại đây, với các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng hiện nay, cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, xây dựng, chưa có tình trạng dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Đối với nhóm dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ 5 dự án, trong đó có 3 dự án do TP. Hà Nội và TP. HCM làm chủ đầu tư (Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương do UBND TP. HCM làm chủ đầu tư, Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3 Nhổn – Ga Hà Nội do UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư); 2 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi).

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư và chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng đinh: “Đây là các dự án lớn và công nghệ phức tạp lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam do đó chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện. Năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của Chủ đầu tư đối với các dự án lớn về lĩnh vực đường sắt đô thị rất mới và còn hạn chế”.

“Các tư vấn tham gia thực hiện dự án đều là các tư vấn lớn, tuy nhiên thiếu kinh nghiệm về hệ thống quản lý và quy trình thủ tục ở Việt Nam dẫn đến trong quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ nguyên nhân.

Cũng theo Bộ GTVT, do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị nên cả Chủ đầu tư và Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu như: Thay đổi về thông số kỹ thuật, quy mô xây dựng như cục bộ về bình đồ tuyến và một số thông số kỹ thuật của Dự án (tải trọng trục, cự ly tim đường, đường kính trong hầm, ray, hệ thống thông tin tín hiệu...); thay đổi về quy mô xây dựng so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây; thay đổi về quy mô xây dựng công trình đường sắt ngầm; thay đổi quy mô về hệ thống điện…

Lý giải về hang loạt các dự án giao thông trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, nguyên nhân là do vướng mắc, chậm kéo dài công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng.

Bên cạnh đó, việc tiến độ dự án kéo dài dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do các yếu tố: biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định; các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và hình thành các yếu tố quan trọng quốc gia cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư… theo quy định của Luật Đầu tư công.

Truy trách nhiệm của các bên liên quan, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại nhiều dự án, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị. Trách nhiệm thuộc địa phương, Chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (đơn cử như tại dự án đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi, công tác quy hoạch chi tiết 1/500, các ga Quốc gia Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, quy hoạch 1/2000 phân khu ga Hà Nội, phương án tuyến cầu vượt sông Hồng chậm phê duyệt cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại dự án). Trách nhiệm liên quan đến công tác quy hoạch thuộc địa phương.

Về vấn đề tăng tổng mức đầu tư dự án, theo Bộ GTVT, nguyên nhân chính của việc tăng tổng mức đầu tư là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên Tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu (như điều chỉnh mặt bằng và kết cấu nhà ga ngầm; kết cấu nhịp cầu cạn của đoạn tuyến đi trên cao; bổ sung kết cấu nhà ga ngầm…), ngoài ra là yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm thuộc về Chủ đầu tư, Tư vấn thực hiện dự án.

Bạn đang đọc bài viết Loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, Bộ trưởng nói thiếu kinh nghiệm tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành