Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Hà Nội: Nghiên cứu các bất cập liên quan vấn đề chung cư

DTVN 10:56 17/12/2019

Dù đã lên đề án từ rất nhiều năm song đến thời điểm hiện tại, công tác cải tạo, sửa chữa và xây mới hệ thống chung cư cũ, chung cư xuống cấp tại Hà Nội vẫn diễn ra rất chậm...

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 7020/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ chuyên gia nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn thiện Đề án về Cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ trên địa bàn.

Tổ chuyên gia có nhiệm vụ nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn do Sở Xây dựng đề xuất, báo cáo UBND Thành phố lấy ý kiến của HĐND thành phố, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai thực hiện.

Theo thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tại Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2 - 5 tầng. Đa số các chung cư này được xây dựng từ những năm 1960 đến những năm 1990, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuống cấp, trong đó có nhiều chung cư xuống cấp ở mức trầm trọng, gây nguy hiểm cho người dân sinh sống trong chung cư. Phần lớn số chung cư này tập trung chủ yếu tại các quận như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa...

Về vấn đề xử lý các chung cư cũ, Hà Nội cũng đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp, phá vỡ, xây dựng mới các chung cư cũ với sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản. Thực tế từ năm 1996, Hà Nội đã khởi động các kế hoạch cải tạo lại chung cư cũ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, thành phố mới xây dựng và cải tạo được 14 trong tổng số 1.579 chung cư cần cải tạo. Ngoài ra là 5 chung cư cũ đang phá dỡ, triển khai xây dựng.

Đáng chú ý, hiện Hà Nội có tới 4 khu chung cư cũ nguy hiểm cấp D (xuống cấp trầm trọng) được chính quyền thành phố tổ chức di dời, nhưng hiện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn như chung cư G6 khu tập thể Thành Công, hay tòa nhà A khu chung cư Ngọc Khánh đều được thuộc diện nguy hiểm cấp D, nhưng nhiều người dân không muốn chuyển đi.

Cũng liên quan đến vấn đề xay quanh câu chuyện chung cư, tại hội thảo về quản lý, vận hành, sử dụng chung cư vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã lý giải việc thành phố cần xây dựng quy chế quản lý chung cư riêng.

Theo ông Dũng, thời gian tới, thành phố phải xây dựng quy chế quản lý chung cư riêng do việc độc quyền của chủ đầu tư khi áp dụng mô hình giao cho chủ đầu tư quản lý các tòa chung cư trước khi Luật Nhà ở 2005 có hiệu lực. Mô hình này tồn tại nhiều khiếm khuyết.

Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi thành lập Ban quản trị, chủ đầu tư có trách nhiệm phải bàn giao hồ sơ liên quan nhưng thực hiện rất chậm vì chủ đầu tư xây dựng sai phép hoặc không đủ giấy phép, không đúng hồ sơ. Diện tích chung, riêng cũng được pháp luật quy định rõ ràng nhưng vẫn phát sinh khiếu kiện do người mua không đọc kỹ hợp đồng.

Chủ đầu tư phải bàn giao 2% quỹ bảo trì nếu thành lập Ban quản trị. Số tiền này có thể lên đến hàng trăm tỷ tại các dự án lớn. Do đó, chủ đầu tư không muốn thành lập Ban quản trị.

Trong thời gian Ban quản trị chưa được thành lập, chủ đầu tư sử dụng quỹ bảo trì để chi trả cho việc quản lý, vận hành tòa nhà. Sau khi có Ban quản trị, khoản quỹ này được chủ đầu tư bàn giao lại nhưng hai bên không thống nhất được số tiền chủ đầu tư đã chi nên khiếu kiện phát sinh.

TS. Lê Thị Bích Thuận - Tổng hội Xây dựng Việt Nam góp ý, cần tính đến cơ chế đặc thù khi ban hành quy chế quản lý chung cư. Bởi tại khu vực ngoại thành, bộ máy quản lý nhà nước vốn là bộ máy quản lý nông nghiệp, nông thôn là chính. Sau quá trình đô thị hóa, bộ máy này sẽ phải quản lý quy mô lớn hơn nên khó đáp ứng đủ điều kiện chuyên môn, sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho việc quản lý.

Đưa ra đề xuất, ông Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng cần xác định ranh giới xung quanh chung cư trong quy hoạch tổng mặt bằng bởi chung cư không chỉ gồm ngôi nhà mà có cả không gian xung quanh.

Ông Nghiêm cho biết thêm, Hà Nội hiện có gần 700 cụm nhà chung cư, chiếm hơn 1/3 của cả nước. Có 833 chung cư thương mại với trên 230.000 căn hộ đã đưa vào sử dụng trong đó, hơn 80 chung cư xảy ra tranh chấp. Hiện 79 chung cư có tranh chấp đã được giải quyết.

Theo TBCK

Link gốc : https://tbck.vn/ha-noi-nghien-cuu-cac-bat-cap-lien-quan-van-de-chung-cu-55904.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Nghiên cứu các bất cập liên quan vấn đề chung cư tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Theo phê duyệt, khu đô thị tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có diện tích khoảng 300ha, thuộc các xã Phương Liễu, Nhân Hòa và Đại Xuân. Dự kiến, dân số của khu đô thị vào khoảng 25.000 - 45.000 người.