Chậm trễ hàng thập kỷ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Huyền Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội) về tháo gỡ khó khăn tại 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và trách nhiệm việc tuyến đường sắt 2A Cát Linh - Hà Đông chậm trễ hơn một thập kỷ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD).
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa. |
Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.
Sau nhiều năm chậm tiến độ, đến nay dự án đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng 13,05 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao và khu depot Yên Nghĩa, đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống. Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu.
Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410,8km. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Huyền Mai cho rằng thực tiễn triển khai rất chậm, cử tri và nhân dân Thủ đô đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Đến nay thời gian hoàn thành vẫn...chưa biết
Câu hỏi đặt ra là vậy bao giờ tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thương mại? Trách nhiệm để chậm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên bao giờ được triển khai? Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo bao giờ điều chỉnh dự án?...
Đại diện đoàn ĐBQH Hà Nội nhấn mạnh, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ GTVT), Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư; chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND thành phố Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), tổng thầu chưa đề xuất mốc thời gian hoàn thành cụ thể nhưng dự kiến công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào ngày 31/12/2019.
Tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết nên Bộ GTVT đánh giá mốc thời gian nêu trên không khả thi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng (UBND Hà Nội) chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng...
Đối với tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên), Thủ tướng cho biết, theo quy hoạch đây là tuyến chạy chung giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2004, đến nay đã có nhiều thay đổi phải điều chỉnh.
Ngoài ra, có một số ý kiến băn khoăn về chủ trương thực hiện và những vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính và trách nhiệm quản lý đầu tư dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì đề xuất giải pháp xử lý. Bộ GTVT đang báo cáo kế hoạch triển khai dự án.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ