Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Covid-19 'phủ bóng đen' lên nền kinh tế toàn cầu

DTVN 10:32 12/09/2020

Dịch covid-19 đã ảnh hưởng rõ nét tại tất cả các quốc gia, các khu vực, tác động tới cả các nền kinh tế phát triển cũng như các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.

Dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế toàn cầu trên mọi mặt. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, các nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới khiến toàn bộ hoạt động thương mại, sản xuất trên thế giới đều trở nên đình trệ.

GDP toàn cầu mất tới 5.000 tỷ USD

Giới phân tích phố Wall (Mỹ) nhận định đại dịch Covid-19 sẽ khiến GDP toàn cầu mất tới 5.000 tỷ USD. Còn theo IMF, dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng -4,9% năm 2020, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng -8%, các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng -3%. Tương tự, Ngân hàng thế giới (WB) cũng nhận định kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng -5,2%, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng -7% và các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng -2,5%.

Nước Mỹ nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, quý II vừa qua có mức tăng trưởng GDP là -9,1%, lớn gấp nhiều lần mức -1,3% của quý I. IMF dự báo kinh tế Mỹ trong cả năm 2020 sẽ giảm 6,6%. Đặc biệt, một số định chế tài chính quốc tế thậm chí dự báo kinh tế Mỹ năm nay có thể ghi nhận mức suy giảm lên tới hơn 8%, mức suy giảm chưa từng có trong nhiều thập niên qua.

Còn tại châu Âu, nền kinh tế lớn nhất châu lục là Đức, ghi nhận mức suy giảm tới 10,1% trong quý II/2020, trong khi nền kinh tế khu vực Eurozone giảm 12,1%.
Trong khi đó, theo số liệu mới công bố, kinh tế Anh trong tháng 7 tăng trưởng 6,6% so với tháng 6 và tăng 8,7% so với tháng 5. Đà tăng này có thể đưa nền kinh tế Anh đạt mức tăng trưởng 15% trong quý III, sau cú trượt dốc 20,4% trong quý II.

Tuy nhiên, nếu so với tháng 2 - thời điểm trước khi dịch Covid-19 càn quét, kinh tế Anh vẫn suy giảm tới 11,7%. Các ngành dịch vụ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại Anh còn trượt sâu tới 12,6% so với tháng 2, còn sản lượng công nghiệp giảm 7%.

Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới cũng là nơi khởi phát dịch Covid-19 lại tỏ ra ổn hơn các nền kinh tế lớn khác nhờ khống chế dịch thành công. Dù mức suy giảm kinh tế trong quý I/2020 cao hơn Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ (-6,8% so với -3,5% và -4,8%), Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi phần nào trong quý II, trong khi - Mỹ sẽ tệ hơn trong giai đoạn này.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ giảm khoảng 3% trong năm 2020, cú suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ giai đoạn Đại khủng hoảng thập niên 1930.

Trong 3 nền kinh tế lớn nhất, EU dự báo giảm -7,5%, Mỹ giảm -5,9%, và Trung Quốc tăng 1,2%. GDP của Trung Quốc năm ngoái là 14.000 tỷ USD,tương đương 2/3 của Mỹ (21.000 tỷ USD), và khoảngcách này sẽ rút ngắn thêm. Nếu xu hướng kinh tế này duy trì, hai nền kinh tế sẽ đạt kích cỡ bằngnhau trong vòng một thập kỷ tới, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đây.

Theo số liệu được Chính phủ Nhật công bố, quý II vừa qua, nền kinh tế nước này, sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ thế chiến thứ 2, với mức âm 27,8%. Mức sụt giảm này thậm chí còn nghiêm trọng hơn đợt suy thoái trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

Theo công bố của văn phòng Nội các Nhật Bản vào sáng nay, GDP quý II/2020 của nước này giảm 7,8% so với quý trước, tính theo tỷ suất năm là giảm 27,8%, đây là quý thứ ba liên tiếp kinh tế Nhật Bản có mức tăng trưởng âm.

Nền kinh tế Singapore đã rơi vào suy thoái trong quý II/2020 với mức suy giảm kỷ lục 41,2% so với quý I. Đây là quý thứ 2 sụt giảm liên tiếp của nền kinh tế Singapore.

Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore bị tác động nặng nề bởi các biện pháp giãn cách xã hội, trong khi thị trường bên ngoài gần như đóng băng.

Một nền kinh tế lớn khác của Đông Nam Á là Thái Lan cũng ghi nhận mức suy giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Khả năng phục hồi mong manh

Trong bài phân tích chung đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 9/9, cả Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ còn kéo dài, khả năng hồi phục vẫn rất mong manh và không đồng đều giữa các vùng và các lĩnh vực.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đà hồi phục trở lại như trước đại dịch Covid-19 là rất chậm, nhất là ở các quốc gia giàu có - nơi mà Covid-19 đã tàn phá mọi thứ từ du lịch, vận tải đến giải trí và thị trường việc làm.

"Chừng nào các nền kinh tế lớn không cần phải phong tỏa, nền kinh tế toàn cầu mới có thể duy trì đà hồi phục, nhưng khó có thể hồi phục một cách ngoạn mục như đợt mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh vài tháng trước", Gilles Moëc, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty bảo hiểm Axa nhận định. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, “những khó khăn giờ mới lộ diện”.

Ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cho rằng: "Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng suy thoái kinh tế lần này sẽ nhanh chóng kết thúc. Chúng tôi cho rằng có thể xuất hiện những trở ngại lớn như làn sóng doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp dâng cao". Điều này có nghĩa chính phủ và ngân hàng trung ương của các nước còn nhiều việc phải làm.

Trong khi đó, James Pomeroy, chuyên gia kinh tế tại HSBC tin rằng, nhiều khả năng các nền kinh tế sẽ tung thêm các gói kích thích kinh tế mới, ngoài một vài gói công bố gần đây. "Nếu không có những gói kích thích đó, ‘vết sẹo’ của cuộc khủng hoảng này sẽ càng hằn sâu và khoảng cách giữa chiến thắng và thất bại sẽ ngày càng lớn", James Pomeroy nói.

Kinh tế tế giới sẽ phục hồi theo kịch bản nào?

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay, giới phân tích đã đưa ra nhiều nhận định về kịch bản phục hồi kinh tế toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K đang được xem là xu hướng chủ đạo.

Ở thời điểm đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên quy mô toàn cầu, đa số các nhà phân tích dự đoán kinh tế thế giới sẽ phục hồi theo kiểu hình chữ V. Đây là kịch bản phục hồi lạc quan nhất. Kinh tế suy giảm nhanh rồi phục hồi cũng nhanh khi phong tỏa kết thúc. Chính phủ ban hành các biện pháp đủ để bù đắp cho khủng hoảng và đại dịch không bùng phát trở lại.

Chữ U là kịch bản ít thuận lợi hơn nhưng vẫn lạc quan. Kinh tế suy thoái kéo dài lâu hơn rồi sau đó phục hồi chậm. Tình hình trở lại như trước đại dịch sẽ không xảy ra trước cuối năm 2020.

Chữ W là kịch bản phục hồi 2 lần. Kinh tế tăng tốc rồi xuống dốc trở lại, sau đó lại tăng tốc. Nguyên nhân do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 được dỡ bỏ quá nhanh hoặc không ngăn chặn, sau đó dịch bùng phát lần hai.

Chữ L là kịch bản u ám nhất. Các biện pháp vực dậy kinh tế quá khiêm tốn dẫn đến nguy cơ suy thoái mạnh. Các công ty phá sản hàng loạt khiến kinh tế trì trệ.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, xuất hiện một mô hình phục hồi mới của kinh tế thế giới, đó là “kịch bản hình chữ K”.

Mạng tin Arab News mới đây đưa ra mô hình này và nhận được sự quan tâm, đồng tình của nhiều chuyên gia phân tích. Theo kịch bản mới này, sự giảm tốc của các nền kinh tế diễn ra theo chiều thẳng đứng, giống như những gì thị trường chứng khoán và dầu mỏ đã chứng kiến trong tháng 3 và tháng 4 năm nay và nối tiếp sau đó là 2 mô hình phục hồi đối lập, gồm một bên phục hồi tích cực và một bên suy giảm mạnh.

Thực tế diễn biến kinh tế thế giới những tháng vừa qua cho thấy “kịch bản hình chữ K” đang diễn ra với kinh tế thế giới. Theo đó, đa số các nền kinh tế lớn đã sụt giảm tăng trưởng mạnh theo chiều thẳng đứng ở mức khoảng 10%, vượt mọi dự đoán trước đó. Số nền kinh tế được dự báo tăng trưởng dương trong năm nay hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, như Trung Quốc, Việt Nam... Mô hình phục hồi hình chữ K cũng có thể được nhìn thấy ngay trong từng nền kinh tế với những diễn biến trái chiều.

Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/covid-19-phu-bong-den-len-nen-kinh-te-toan-cau-d82347.html

Bạn đang đọc bài viết Covid-19 'phủ bóng đen' lên nền kinh tế toàn cầu tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế