6 tháng sau khi WHO công bố đại dịch, trong khi các quốc gia phát triển đang tìm cách trở lại trạng thái bình thường, virus đang tấn công mạnh mẽ vào những vùng kém phát triển ở Ấn Độ, nơi 70% trong số 1,3 tỷ dân Ấn Độ sinh sống. Hiện tại Ấn Độ ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tổng cộng 71.000 người đã tử vong và các chuyên gia cho rằng con số vẫn chưa được thống kê hết.
Hôm qua Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới. Nơi đây chính là ví dụ về điều gì có thể xảy ra một khi virus lây lan ở những vùng nghèo và đông dân cư. Thiếu thốn đủ thứ để chiến đấu chống lại dịch bệnh, có lẽ ngày Ấn Độ thay Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất không còn xa.
Điều đó sẽ dẫn đến thảm họa kinh tế và nhân đạo, đe dọa đảo ngược những thành tích về tăng trưởng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống mà Ấn Độ đã cố gắng trong nhiều năm để đạt được.
Với GDP năm 2019 xấp xỉ 3.000 tỷ USD, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù hệ thống y tế còn lạc hậu, Ấn Độ lại là quốc gia sản xuất vaccine và thuốc gốc lớn nhất thế giới mà hệ thống y tế toàn cầu phải dựa vào. Và trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hướng nội nhiều hơn, các tập đoàn đa quốc gia từ Walmart đến Facebook đã ồ ạt đầu tư vào Ấn Độ trong thời gian gần đây, đặt cược vào thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó nếu Ấn Độ thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh, đó sẽ là 1 gánh nặng đe dọa đà phục hồi của thế giới trên cả phương diện kinh tế và dịch tễ.
Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi đang bị chỉ trích gay gắt vì không làm nhiều hơn để giúp đỡ các quan chức liên bang và địa phương chiến đấu với dịch bệnh. Hệ thống y tế vốn đã mong manh của Ấn Độ cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, những biện pháp giãn cách mà hầu hết các chuyên gia cho là cần thiết để ngăn dịch bệnh sẽ làm trầm trọng hơn tiến trình phục hồi của kinh tế Ấn Độ. Tất cả tạo ra 1 vòng luẩn quẩn
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ