Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cơn “khủng hoảng sinh sản” tại Nhật Bản khiến thâm hụt ngân sách tăng cao

Mai Hương(T/H) 16:16 07/09/2020

Nhật Bản đang phải chèo lái một nền kinh tế mà dân số có dấu hiệu sụt giảm trong suốt 1/4 thế kỷ qua.

“Khủng hoảng sinh sản” tại Nhật Bản: Phụ nữ trì hoãn hoặc không sinh con

Nhật Bản đang phải chèo lái một nền kinh tế mà dân số có dấu hiệu sụt giảm trong suốt 1/4 thế kỷ qua. Với số người lao động ít hơn, nghỉ hưu nhiều hơn, và lãi suất thấp, chính phủ Nhật bản buộc phải gia tăng nợ công để đối phó. Đây cũng là ứng xử thường thấy của chính quyền ở các nước phát triển, nó sẽ gây ra những vấn đề lớn trong dài hạn.

Quy mô dân số tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng lên, thị trường mở rộng thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, dân số Nhật Bản lại là câu chuyện ngày càng đặt ra nhiều thách thức.

Ông Yasushi Mineshima - Phát ngôn viên của Viện nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản - cho biết sự suy giảm tỷ lệ sinh đẻ này diễn ra nhanh hơn dự đoán trước đó. Nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con hoặc có quyết định không sinh con.

Các chuyên gia cho biết, để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần duy trì tỷ suất sinh là 2,1. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1970, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã sụt giảm đáng kể. Vào năm 2005, con số này rơi xuống mức thấp kỷ lục 1,26 (số trẻ em trên một phụ nữ) nhưng sau đó đã phục hồi và lại giảm trở lại vào năm 2016. Năm 2018, tỷ suất sinh Nhật Bản còn ở mức 1,42.

Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đạt mức cao nhất là vào thời điểm cuổi những năm 1990. Từ đó đến nay, dân số Nhật Bản chỉ có giảm mà không tăng, nó thực sự là một dấu hiệu đáng báo động.

Dự kiến vào năm 2040, theo đà này, dân số Nhật Bản có khả năng sẽ giảm tới 1% mỗi năm. Đến năm 2050, dân số Nhật Bản sẽ giảm khoảng 23% so với hiện nay.

Sự suy giảm lực lượng lao động khiến tăng trưởng GDP giảm kéo theo lãi suất trong nước thấp hơn. Thêm vào đó, dân số già của Nhật Bản cũng tăng vọt.

Nhật Bản sẽ dễ tổn thương hơn trong suy giảm kinh tế toàn cầu

Trong trung hạn, không phải tất cả các nhóm tuổi đều bị ảnh hưởng giống nhau. Số dân nhóm tuổi 65 trở lên của Nhật tiếp tục tăng và gần như ở trạng thái ổn định. Nhóm tuổi 75 trở lên tiếp tục tăng cho đến cuối những năm 2020.

Từ 2017 đến 2050, số người thuộc nhóm dưới 14 tuổi được dự báo sẽ giảm gần 40%. Nhóm trong độ tuổi lao động (từ 15-65 tuổi) cũng giảm 34% trong cùng kỳ. Như vậy không chỉ dân số giảm, mà dân số thuộc độ tuổi lao động còn giảm nhanh hơn nữa.

Việc thiếu người lao động kìm hãm tăng trưởng GDP. Xét về bản chất, việc thiếu công nhân có thể bù đắp bằng việc tăng năng suất. Nhưng GDP của Nhật Bản vào năm 2050 sẽ không thể cao hơn mức hiện nay.

Năng suất lao động có thể tăng khoảng 1,4% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng người lao động lại giảm trung bình 1,2% mỗi năm theo như dự báo và sẽ còn giảm mạnh hơn nữa vào năm 2050. Làm việc thông minh hơn cũng không thể bù đắp cho việc ít người làm việc hơn, đó chính là vấn đề của Nhật Bản.

Mặc dù vẫn có đủ việc làm nhưng ở Nhật, mức lương đang phải chịu sức ép giảm, tăng trưởng GDP đang ở mức tối thiểu, lãi suất trong nước thấp và thâm hụt ngân sách tăng cao. Khủng hoảng dân số là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này.

Tình trạng nợ công của nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu gia tăng đáng kể kể từ năm 1995 với tổng nợ/GDP vượt 200% và sẽ còn tiếp tục tăng. Theo IMF, Ngân hàng thanh toán quốc tế, tỷ lệ nợ công/GDP ở mức an toàn rơi vào khoảng 60%. Nhật Bản đã vượt qua ngưỡng an toàn này kể từ 20 năm về trước và nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường. Nhưng nó còn có thể tiếp tục trong bao lâu?

Thế nhưng nền kinh tế Nhật Bản dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài và bối cảnh kinh tế thế giới. Nhật Bản có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, các thiên tai và bất kỳ sự gia tăng nào của lãi suất toàn cầu. Lãi suất tăng 1% đồng nghĩa với việc nợ công/GDP của Nhật Bản tăng 2%.

Để đảo ngược xu hướng này, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tỷ lệ sinh là 1,8 và đưa ra nhiều sáng kiến. Quốc gia Đông Bắc Á này bắt đầu tập trung mọi nỗ lực giúp phụ nữ cải thiện cuộc sống và cân bằng công việc, bằng cách mở rộng số lượng các trường mầm non miễn phí, cắt giảm thời gian tại các nhà trẻ ban ngày và cung cấp thêm thời gian nghỉ phép cho cha mẹ.

Một thị trấn nông nghiệp ở phía Tây Nhật Bản còn chi trả mọi chi phí cho các cặp vợ chồng đến đây sống để sinh con. Các gia đình sẽ nhận được khoản tiền 100.000 Yen (22 triệu đồng) nếu sinh đứa con đầu lòng, 150.000 Yen (33 triệu đồng) cho đứa trẻ thứ 2 và khoảng 400.000 yên (87 triệu đồng) cho đứa con thứ 5 sinh ra trong cùng một gia đình.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/con-khung-hoang-sinh-san-tai-nhat-ban-khien-tham-hut-ngan-sach-tang-cao-d82016.html

Bạn đang đọc bài viết Cơn “khủng hoảng sinh sản” tại Nhật Bản khiến thâm hụt ngân sách tăng cao tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế