Để lắng nghe những chia sẻ, phân tích về vấn đề này, PV đã có cuộc phỏng vấn TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI).
PV: Thưa TS. Võ Trí Thành, cả dân tộc đang gồng mình chống lại “làn sóng” thứ 2 của dịch Covid-19, ông có phân tích, đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế đất nước thời gian qua. Đồng thời về những dự báo kinh tế từ nay tới cuối năm.
TS. Võ Trí Thành: Có thể nói là cơn bão dịch Covid-19 có tác động rất là khủng khiếp mang tính chất tàn phá tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Tác động này trong thời gian tới vẫn tiếp tục, và cái hệ lụy của nó để lại có thể kéo dài.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI). Ảnh: Nguyễn Triệu. |
Chúng ta đều biết kinh tế thế giới suy thoái rất là nặng nề, và đặc biệt là rất nhiều nước phát triển những nước có vai trò rất quan trọng trên thế giới đều hứng chịu cơn bão này rất là lớn, mức độ suy giảm tốc độ tang trưởng là âm rất cao. Hàng trăm triệu người trên thế giới mất việc làm, giảm thu nhập. Đối với sản xuất kinh doanh thì cái tác động này bên cạnh theo cái dòng xoáy cơn bão dịch này thì như các cuộc khủng hoảng trước, nó tác động tới bên cầu lẫn cả bên cung. Nhưng mà có 2 cái rất đặc biệt của tác động lần này ảnh hưởng và nó có thể là gây ra những điều rất khó khăn của cách ứng xử của các Chính phủ
Tại Việt Nam, chúng ta đã và đang phải đổ công đổ sức, đổ nguời, đổ nỗ lực ra để khống chế dịch. Chính vì vậy, mức độ tác động đến nền kinh tế của đại dịch nó rất phụ thuộc vào cái hiệu quả của công tác chống dịch. Chúng ta thấy rằng, vấn đề bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là số một rồi. Nhưng mà nếu chúng ta buộc phải thực hiện các chính sách như là cách ly địa giới, giãn cách xã hội, chắc chắn nó ảnh hưởng vô cùng lớn. Và điều ấy chúng ta thấy rất rõ, đầu năm nay nhất là tháng 4 chúng ta giãn cách xã hội cả nước, hay là cái bùng phát đợt 2 kể từ cuối tháng 7 mặc dù chúng ta chưa phải thực hiện chính sách giãn cách xã hội ở mức độ khắc nghiệt đối với cả nước, mà chỉ là đối với một số địa phương như là Đà Nẵng, Hải Dương…
Nền kinh tế Việt Nam liên quan rất nhiều tới hoạt động kinh tế từ dòng vốn đầu tư nước ngoài du lịch quốc tế, thương mại. Và những đối tác lớn nhất liên quan tới biến số ấy thì đều đang hứng chịu dịch rất nặng nề và suy thoái trầm trọng, có thể kể đến như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Ngay cả Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng năm nay vô cùng thấp, ước tính khoảng trên dưới 1%.
Theo TS. Võ Trí Thành, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ 2,5 – 3%. Ảnh: Nguyễn Triệu. |
6 tháng đầu năm, tăng trưởng chỉ đạt 1,81%, rất nhiều ngành mạnh như du lịch, quốc tế, hàng không, buôn bán… Trong tháng 5, 6, 7 vừa qua, nhiều lĩnh vực bắt đầu phục hồi thế nhưng chưa đủ mạnh để chống lại đợt dịch lần 2.
Việc dự báo kinh tế Việt Nam hiện nay tùy thuộc rất nhiều vào kịch bản khả năng khống chế dịch của chúng ta và thế giới. Với tình hình khó khăn hiện nay, nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ 2,5 – 3%. Chính phủ thì cho rằng, nếu chúng ta đạt được 3 – 4% đã là rất tốt.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không khống chế được dịch thì kinh tế tăng trưởng có thể là thấp hơn rất nhiều, thậm chí có thể là âm. Tất nhiên, kịch bản ấy xác suất có thể không cao và chúng ta không mong đợi. Có thể nói, thời điểm này chúng ta phải nỗ lực khống chế dịch, tiếp tục vượt khó, làm những điều tốt nhất có thể để duy trì khôi phục. Và khi mà thời điểm tốt lành đến, như có vắc xin tốt thì chúng ta có thể bước vào giai đoạn phục hồi nó trơn tru mạnh mẽ hơn thế.
PV: Như ông nói, mảng dịch vụ chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này lại tiên phong hỗ trợ Nhà nước nhân lực, vật lực để cùng các địa phương chống dịch. Ông có góc nhìn như thế nào việc việc này?
TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ, cách thức chống dịch của Việt Nam “Chống dịch như chống giặc” mang tính thời chiến rất cao rất, ít nhiều được thế giới đánh giá cao. Ít nhiều cho đến nay, mặc dù dịch bùng phát lần 2, nhưng tin tưởng rằng chúng ta sẽ khống chế thành công.
Nhiều doanh nghiệp chung tay cùng Nhà nước chống dịch Covid-19. |
Trong thành công ấy có nhiều yếu tố như chúng ta phản ứng từ sớm, phản ứng quyết liệt như thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch. Chúng ta phát hiện, ngăn ngừa, cách ly, khoanh vùng tập trung dập dịch.
Quay trở lại câu hỏi, tôi nghĩ lần này doanh nghiệp Việt thể hiện vai trò rất ý nghĩa trong cái công tác chống dịch. Tại sao tôi nói thế, bởi vì nó không đơn thuần là sự tham gia ngay từ đầu cùng với cả nước chống dịch. Đây không chỉ là sự đóng góp vừa có ý nghĩa rất lớn về vật chất tiền nong có thể lên tới con số hàng trăm hàng nghìn tỉ, thì nó có mấy điều rất là cảm động. Điều này vừa là một dấu ấn tốt đẹp mà là một bài học cho chính các doanh nghiệp, duy trì lâu dài trong định hướng phát triển doanh nghiệp.
Cái đầu tiên, theo tôi đây là tinh thần dân tộc tương thân tương ái. Mặc dù chúng ta đều biết, các doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp dòng tiền bị tắc. Dù là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, sự đóng góp ấy rất chân thành, là một cái dấu ấn của người Việt, một cái duy tình của người Việt.
Tôi cũng nhận thấy rằng, các doanh nghiệp bắt nhịp thị trường rất tốt. Họ vừa chống dịch lại gắn với chuyển đổi kinh doanh. Ví dụ, họ chuyển đổi sản phẩm, dùng máy bay chở khách sang chở hàng, đang may áo thì may khẩu trang đồ bảo hộ. Đây không chỉ là câu chuyện lợi nhuận, sâu xa hơn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng, phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Những cái đấy nó hòa đồng nó tạo nên một hình ảnh tốt đẹp hơn về doanh nghiệp. Cái này không thể đo lường được mà sẽ dần dần lan tỏa và có lợi cho bản thân doanh nghiệp.
Tôi hy vọng doanh nghiệp Việt duy trì được điều tốt đẹp này
PV: Thưa TS. Võ Trí Thành, bên cạnh những điều tốt đẹp, không ít những hình ảnh xấu xí, phản cảm khi có những đơn vị, doanh nghiệp thờ ơ, thậm chí lợi dụng dịch bệnh kinh doanh kiếm lời, phi pháp. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
"Những người lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bất chính không xứng đáng là người Việt Nam" - TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Nguyễn Triệu. |
Theo tôi, nhìn tổng thể hình ảnh doanh nghiệp Việt vừa qua rất tốt. Trong khó khăn, các doanh nghiệp tìm mọi cách để có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, có được dòng tiền.
Cái mà chúng ta có thể phê bình trong một số trường hợp vấn đề đạo lý kinh doanh và đạo đức kinh doanh, nó chưa gắn với trách nhiệm cộng đồng, ý thức dân tộc. Họ bất chấp tất cả và họ chỉ cần có tiền thôi thì là cái đáng phê phán lên án. Tức là ta thấy như là những câu chuyện làm sản phẩm thiết yếu nhu cầu rất là cao mà lại không đảm bảo an toàn vệ sinh, thậm chí là gian dối làm giả… Hoặc là trong lúc chúng ta khó khăn anh vẫn có những hoạt động phi pháp thậm chí là lừa đảo.
Câu chuyện ở đây không chỉ là họ bị phạt hoặc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp mà câu chuyện ở đây, có lẽ phải nói là họ không xứng đáng là người Việt. Bản chất của con người Việt chưa nói cái lớn hơn là câu chuyện phát triển của doanh nghiệp đó câu chuyện về cái tâm cái làm ăn cái cuộc sống của mình. Tôi nghĩ ở đây là hai câu chuyện hình phạt của luật pháp từ hình phạt nhẹ nhất như phạt hành chính, hay đến xử phạt lương tâm. Lương tâm ở đây là của dân tộc Việt, con người Việt, cái đấy đáng mới là điều đáng nói.
PV: Từ nay tới hết năm, tình hình kinh tế sẽ có nhiều khó khăn bởi tác động của dịch bệnh. Với tư cách một chuyên gia kinh tế, ông có đề xuất, gợi mở gì để Nhà nước, người dân cũng như khối doanh nghiệp sớm vực dậy kinh tế, chung tay chống lại dịch Covid-19?
TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ, nguyên tắc đầu tiên ở đây phải quyết liệt trong khống chế dịch. Nhưng mà khống chế dịch, bên cạnh yếu tố sức khỏe nhân dân thì nhân tố cực kỳ quan trọng để kinh tế hoạt động trở lại là chúng ta cũng phải học cách sống chung với dịch một cách khôn khéo.
Nguyên tắc thứ hai là chúng ta phải đảm bảo các cân đối vỹ mô không bị vỡ, bởi vì vỡ trận cái vỹ mô thì các cái khác cũng sẽ mất.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, học cách chung sống với dịch bệnh một cách khôn khéo mới đảm bảo hai yếu tố vừa phát triển kinh tế, vừa chăm lo sức khỏe người dân. Ảnh: Nguyễn Triệu. |
Một nguyên tắc nữa, chúng ta phải bám sát tình hình, diễn biến khó lường của dịch bệnh để có cách ứng xử thích hợp, tốt nhất trong bất kỳ tình huống nào, kể cả tình huống xấu nhất. Theo như tôi biết, hiện nay chính phủ đã giao cho Bộ KHĐT chuẩn bị gói hỗ trợ lần 2 gói này quy mô lớn hơn, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh diện hỗ trợ thì sẽ tập trung hơn vào một số lĩnh vực để vượt khó, có cả nguồn lực để cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng được biết doanh nghiệp Việt thời gian vừa qua cũng rất là năng động sáng tạo nỗ lực, có thể là chuyển đổi sản phẩm. Cũng có thể là nhanh nhạy bám theo hoạt động khống chế dịch của thế giới về thị trường nội địa, về quan hệ hợp tác rồi thay đổi mô hình kinh doanh. Qua đó tận dụng ít nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp sẽ có nhiều cách vượt qua khó khăn. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp không chỉ vượt khó mà trong họ đã tính đến tái cấu trúc doanh nghiệp mình để phù hợp hơn với xu thế phát triển sắp tới.
Và trong tất cả những điều đó, ta vẫn hy vọng, các doanh nghiệp sẽ vẫn hỗ trợ, chung tay cho công tác khống chế dịch bệnh.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
KẾ TOẠI/Sở hữu Trí tuệ