Hướng đi mới tạo cú hích cho ngành du lịch
Sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, khách sạn cũng tìm ra những hướng đi đột phá phù hợp với nhu cầu thị trường để phát triển mạnh mẽ hơn, đón đầu những xu hướng kinh doanh mới.
Khảo sát mới đây về xu hướng du lịch nội địa từ tác động của đại dịch Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) thực hiện cho thấy, nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), kế đến là nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh đến chi tiêu ngân sách khiến gần 50% lựa chọn tua ngắn ngày, 89% lựa chọn đi du lịch cùng gia đình hoặc theo nhóm nhỏ bạn bè.
Ông Robert McIntosh - Giám đốc Điều hành của CBRE Hotels Asia Pacific cũng nhận xét, du lịch là ngành chịu tác động mạnh và sớm nhất của Covid-19. Tuy chưa thể đo đếm được rằng sẽ mất bao lâu nữa để thị trường du lịch phục hồi hoàn toàn, nhưng vị giám đốc điều hành này kỳ vọng, sự phục hồi có thể diễn ra chậm nhưng đây cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
Những biến động lớn cũng mang đến cơ hội cho những biến đổi lớn. Đây sẽ là giai đoạn quan trọng để sàng lọc những doanh nghiệp, những nhà đầu tư có thực lực và có khả năng thích ứng, giúp thị trường hồi phục mạnh mẽ hơn khi đại dịch kết thúc.
Tuy nhiên, chuyên gia CBRE cho rằng, tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản thương mại sẽ chậm hơn nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, bà Đặng Phương Hằng khẳng định, phân khúc được kỳ vọng sẽ dẫn dắt giai đoạn đầu của quá trình hồi phục là du lịch nghỉ dưỡng. Tại một số khu vực châu Á - Thái Bình Dương với quy mô thị trường khách nội địa lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường khách sạn đã từng bước ghi nhận những tín hiệu hồi phục tích cực trong vài tháng trở lại đây, chủ yếu nhờ vào sự lên ngôi của xu hướng bình thường mới "staycation". Tuy nhiên, chỉ đến khi nhóm khách du lịch theo mục đích công tác hoặc khách đoàn hoạt động sôi nổi trở lại thì thị trường khách sạn mới có thể phục hồi hoàn toàn.
CBRE cũng dự báo, du lịch theo hình thức doanh nghiệp và du lịch đại trà (mass tourism) có thể sẽ tiếp tục sôi động trở lại trong năm 2021. Ngoài ra, một số nhà đầu tư trên thị trường cũng đang tìm kiếm cơ hội chuyển đổi khách sạn thành các mô hình chia sẻ không gian sống chung "co-living" nhằm tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận cho thuê.
Cùng với đó, bà Hằng cho hay, sự khởi sắc trở lại của thị trường sẽ nhờ vào diễn biến sôi động của phân khúc bất động sản công nghiệp và kho vận cũng như dấu hiệu phục hồi từ nhu cầu thuê văn phòng. Đáng chú ý, thị trường công nghiệp và kho vận toàn cầu sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn thị trường văn phòng, bán lẻ và khách sạn.
Thị trường condotel sẽ tốt lên vào năm 2021
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2020 có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Một số địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án; Phú Yên cấp phép 2 dự án, trong khi quý I/2020 là 0 dự án.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II/2020, có 22 dự án (bằng 69% quý I/2020) được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ. Trong số đó, condotel có 668 căn (bằng 27% quý I/2020); văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) 931 căn (quý I/2020 là 0 căn).
Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm tháng 7/2020, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội với hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 - 40%.
Tại tọa đàm "Bất động sản thời kỳ mới: Đầu tư vào đâu?" được tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng, trong đó có condotel đang có cả tiềm năng và lo lắng.
“Tiềm năng là bởi du lịch Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp. Du lịch Việt Nam ngày càng hấp dẫn với du khách nước ngoài và gần 100 triệu khách nội địa cũng đang ngày càng có nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng. Trước đây, du lịch Việt Nam không có nhiều cơ sở lưu trú chất lượng, hiện đại. Nhưng sau khi Bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, sự vào cuộc của những doanh nghiệp lớn đã tạo nên những cơ sở lưu trú hiện đại, đẳng cấp tại nhiều địa điểm du lịch”, ông Hiển phân tích.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa đưa ra lý giải, xu hướng phát triển condotel là tất yếu. Du lịch phát triển mạnh, ai cũng muốn có căn hộ để nghỉ dưỡng cộng với cam kết lợi nhuận đã thúc đẩy phân khúc này phát triển. Tuy nhiên, thị trường condotel vắng bóng các doanh nghiệp du lịch với “data” khách hàng khổng lồ.
“Thị trường condotel đang kỳ vọng sẽ tốt lên trong năm 2021 nhưng không có gì là chắc chắn cả. Để đầu tư vào condotel, khách hàng nên lưu ý uy tín chủ đầu tư, nên mua condotel nào sẵn có để khai thác được ngay. Thứ nữa là đơn vị vận hành, yếu tố này rất quan trọng. Khi đầu tư condotel nên nghĩ là đang đi du lịch ở khu vực này, có đông dân hay không, văn hóa địa phương ra sao, ai vận hành ở đây,… chứ không nên nhìn vào cam kết lợi nhuận và một bảng vẽ hoành tráng sẽ rất dễ mắc sai lầm”, ông Quang cho hay.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ