Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Thị trường chứng khoán hồi phục sau dịch Covid-19 nhưng cổ phiếu tốt không tăng

DTVN 08:20 05/09/2020

Trong những ngày cuối tháng 8/2020, thị trường cổ phiếu Mỹ đã vượt mức trước khủng hoảng. Các chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều lập mức điểm kỷ lục mới

Nhìn về quý III đầy hy vọng

Bên cạnh thông tin về vắc-xin và thuốc trị Covid-19, việc nhiều nền kinh tế vượt qua quý II/2020 đầy khó khăn với mức sụt giảm GDP từ 25-30% cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán hồi phục.

Người ta đang nhìn về quý III đầy hy vọng với những dự báo về mức tăng trưởng GDP 15-20% so với quý trước.

Mặc dù con số này chưa thể bù đắp cho mức sụt giảm của quý II, nhưng các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đều dự đoán GDP cả năm của Mỹ và nhiều nền kinh tế chủ chốt sẽ tăng tích cực hơn trong quý III. Điều đó có nghĩa, kinh tế thế giới đã bước qua thời điểm xấu nhất và bắt đầu đi lên.

Thực tế, rủi ro với các nền kinh tế vẫn còn đó. Thị trường việc làm của những nền kinh tế chủ chốt có tín hiệu hồi phục chậm lại trong tháng 8 do nhiều công ty lớn tiếp tục sa thải nhân công và một số gói hỗ trợ kinh tế lớn đi dần đến điểm kết thúc.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư chứng khoán, điều cần quan tâm lúc này là lấy lại những gì đã mất với các cổ phiếu ngân hàng, máy bay và khách sạn, hơn là các rủi ro của nền kinh tế.

Trong 6 năm gần đây, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) duy trì mức cổ tức tiền mặt 10%/mệnh giá. So với mức giá đóng cửa ngày 24/8/2018 là 14.900 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức đạt 6,7%.

Trong khi đó, cổ tức được kỳ vọng sẽ tăng trong những năm tới, khi nợ vay có xu hướng giảm và dòng tiền tích lũy tăng nhờ đặc thù dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt của doanh nghiệp nhiệt điện.

Tính đến cuối quý II/2020, số dư tiền, tiền gửi các loại và khoản đầu tư trái phiếu của BTP là 601,1 tỷ đồng, giả định đem trả ngay tất cả dư nợ vay ngắn và dài hạn ghi nhận tại thời điểm này là 381 tỷ đồng, thì số dư tiền còn lại 220,1 tỷ đồng, tương đương gần 25% giá trị vốn hóa của doanh nghiệp.

Nếu tính thêm giá trị của khoản đầu tư 192 tỷ đồng vào trái phiếu Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và gần 300 tỷ đồng giá trị đầu tư vào các doanh nghiệp ngành điện khác như Thủy điện Buôn Đôn, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Quảng Ninh, thì lượng tiền mặt sau nợ vay cộng giá trị các khoản đầu tư của BTP lên đến 78% giá trị vốn hóa.

Dưới góc nhìn này, khoản đầu tư vào cổ phiếu BTP có độ an toàn cao khi chỉ cần bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng là có thể sở hữu nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 389 MW, với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bình quân trên 100 tỷ đồng/năm.

Vậy nhưng, thị giá cổ phiếu BTP (đã điều chỉnh cổ tức) sau khi đi ngang quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu trong suốt năm 2019 chỉ ghi nhận một đợt tăng trong tháng 4/2020, rồi giao dịch giằng co trong vùng 14.500 - 15.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, Công ty cổ phần Cát Lợi (CLC) đạt lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) hơn 13% và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hơn 20% trong giai đoạn 2016 - 2019.

Dòng tiền kinh doanh trong giai đoạn này thặng dư trên 100 tỷ đồng mỗi năm, qua đó giúp CLC duy trì cấu trúc vốn an toàn với dư nợ vay ngắn hạn đến 30/6/2020 là 54,2 tỷ đồng, chỉ chiếm 5,4% tổng nguồn vốn. Công ty không có vay nợ dài hạn.

Trong khi đó, CLC chi trả cổ tức tiền mặt 30% trong giai đoạn 2014 - 2017; sau khi tăng vốn lên gấp đôi đầu năm 2018, tỷ lệ cổ tức trong 2 năm 2018-2019 vẫn đạt mức 30%.

Mục tiêu cổ tức 25 - 30% năm 2020 là khả thi khi 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 46,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Theo đó, cổ tức trên thị giá có thể đạt 9,2 - 11%.

Vậy nhưng, thị giá cổ phiếu CLC nằm trong xu hướng đi ngang dài hạn từ cuối năm 2016 đến nay và mức giá hiện tại chi tương đương vùng giá đầu năm 2017.

Cổ phiếu của không ít doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), Công ty cổ phần Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET), Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu VITACO (VTO), Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Định (BMC)… đang giao dịch dưới mệnh giá, dù tỷ suất cổ tức trong những năm qua đạt trên 10% thị giá, có cổ phiếu đạt 15 - 20%/năm.

Chỉ số tăng phi mã nhưng cổ phiếu tốt không tăng

Do thị giá cổ phiếu có mức tăng chậm khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này bình quân thu lợi khoảng 10 - 15% trên giá vốn mỗi năm, chủ yếu từ cổ tức.

Tỷ suất lợi nhuận như vậy được xem là thấp so với việc đầu tư vào các cổ phiếu lớn, hoặc các cổ phiếu thị trường, có câu chuyện thu hút dòng tiền, giúp giá tăng cao.

Một nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu TDC từ năm 2017 đến nay cho biết, cổ tức không phải là mục tiêu đầu tư chính, mà chỉ coi là thu nhập bù đắp chi phí cơ hội của đồng tiền.

Điều mà nhà đầu tư này chờ đợi là khi TDC đẩy mạnh kinh doanh quỹ đất để thu hồi vốn, biên lợi nhuận sẽ tăng, bởi Công ty có quỹ đất lớn và giá vốn rẻ.

Niềm tin của nhà đầu tư được củng cố khi chứng kiến trường hợp tại Công ty cổ phần Phát triển đô thị Công nghiệp số 2 (D2D), doanh nghiệp có dự án tích lũy từ những năm 2010. Đến năm 2019, D2D đẩy mạnh bán hàng, biên lợi nhuận lên đến trên 70%. Doanh nghiệp hạch toán lợi nhuận đột biến giúp thị giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi trong năm.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư khác chia sẻ, kết quả kinh doanh của TDC hiện vẫn chưa có sự bứt phá như kỳ vọng, con số lợi nhuận trên 100 tỷ đồng mỗi năm và trả cổ tức đều đặn chưa làm hài lòng nhà đầu tư.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thi-truong-chung-khoan-hoi-phuc-sau-dich-covid-19-nhung-co-phieu-tot-khong-tang-d81890.html

Bạn đang đọc bài viết Thị trường chứng khoán hồi phục sau dịch Covid-19 nhưng cổ phiếu tốt không tăng tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán