Nam A Bank: Nợ nghi ngờ tăng mạnh sau soát xét
Sau soát xét, Ngân hàng TMCP Nam Á (OTC: NamABank) ghi nhận nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp gần 5 lần so với trước soát xét, lên mức 1,535 tỷ đồng.
Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lần lượt giảm 6% và 27% so với trước soát xét, dẫn đến tổng nợ xấu của Nam A Bank tăng 81%, lên mức gần 2,259 tỷ đồng.
Lý giải cho tình trạng này, đại diện Nam Á Bank cho rằng dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng nhà băng.
Với nợ nghi ngờ tăng mạnh, dư nợ cho vay khách hàng cũng tăng thêm hơn 1,904 tỷ đồng, tương đương tăng 3% so với trước soát xét. Qua đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 1.66% lên mức 2.93% sau soát xét.
Tuy nợ nhóm 4 tăng sau kiểm toán, song lợi nhuận của Nam A Bank không thay đổi sau kiểm toán. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Nam A Bank nửa đầu năm 2020 vẫn ở mức gần 201 tỷ đồng và 160 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 54% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Nam A Bank tăng gấp 6,2 lần, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 276 tỷ đồng.
Mục tiêu LNTT hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng có thực hiện được?
Nam Á Bank đưa ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng trong 2020, tăng 75 tỷ so với năm 2019. Tuy nhiên mục tiêu này khó đạt được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Theo ông Trần Ngọc Tâm, tính đến hết tháng 7/2020 Ngân hàng đã tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19, với dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng và tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nợ vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch.
Trong đó, phải kể đến ở lĩnh vực du lịch, bất động sản ảnh hưởng của dịch Covid-19 nặng nề hơn nên theo lãnh đạo của Nam A Bank, các khoản vay cũng nhanh chóng chuyển nhóm nợ, do khách hàng gặp khó trước tác động của đại dịch.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông đã thông qua mức chia cổ tức 14,65% bằng cổ phiếu nhằm mục tiêu hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn điều lệ của Nam Á Bank.
Theo lãnh đạo Nam Á Bank, trong quá trình tái cơ cấu và định hướng chung của cơ quan quản lý, tất cả nhà băng phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Vì vậy, ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thay vì tiền mặt. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu còn nhằm mục đích tập trung nguồn lực hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng COVID-19, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ