Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Cần gì một 'liên minh đổ nát', Nga-Thổ-Iran 'lạt mềm buộc chặt' vẫn ngự trị Syria?

DTVN 10:44 24/06/2021

Hợp tác, cạnh tranh, tìm kiếm sự giúp đỡ và sẵn sàng quay lưng khi có đối tượng khác phù hợp, không phải liên minh nhưng Nga-Thổ-Iran vẫn bền vững kinh ngạc.

Syria là nền tảng cho cái bắt tay Nga-Thổ-Iran.

Phương Tây thường có xu hướng đặt ý tưởng hợp tác giữa các quốc gia dưới một chiếc ô quy chuẩn, nên nhiều người đã hiểu sai về mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran lúc này là một liên minh.

Trên thực tế, bộ ba này không phải là một liên minh, thậm chí còn đối lập nhau về một số lĩnh vực. Họ hợp tác, cạnh tranh, tìm kiếm sự giúp đỡ và sẵn sằng quay lưng khi có đối tượng khác phù hợp, theo Vestnik Kavkaza.

Kiểu tương tác này rất giống với các cường quốc châu Âu vào thế kỷ 19, khi sự hoài nghi bao trùm nhưng các quốc gia vẫn muốn tìm thấy sự đồng điệu ở những khía cạnh cần thiết và đạt được sự cân bằng để tránh áp đặt ý chí lẫn nhau. Tất cả đều chia sẻ chung quan niệm trật tự thế giới đang thay đổi là điều đáng sợ.

“Tam tấu” không cần liên minh

Có một số mối đe dọa đã khiến Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xích lại gần nhau: cuộc chiến ở Syria; chủ nghĩa khủng bố cực đoan; và ở một mức độ nào đó là chủ nghĩa ly khai của người Kurd (Nga cũng chia sẻ mối quan ngại của Ankara và Tehran về điều này).

Quan trọng hơn cả, áp lực của Mỹ với nhiều mức độ đối với từng quốc gia trong nhóm đã đóng vai trò là chất kết dính để thúc đẩy sự hợp tác. Cả ba tìm cách thiết lập lại trật tự thế giới vì họ không còn được hưởng lợi đầy đủ từ các thỏa thuận thời hậu Chiến tranh Lạnh. Mỗi bên đều muốn có không gian mới để tạo cân bằng.

Tuy nhiên, ý tưởng của họ khác nhau về độ sâu và bề rộng đối với những thay đổi cần thiết. Iran tìm kiếm một cuộc đại tu hoàn toàn, vì lý tưởng và triển vọng địa chính trị của nước này hoàn toàn đối lập với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.

Về phần Nga, các yêu cầu thay đổi ít triệt để hơn, vì họ vẫn có một số lợi ích thông qua trật tự thế giới tự do hiện tại.

Còn lại, Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Nga – một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong chính sách Trung Đông và Địa Trung Hải của Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trong trật tự thế giới đang phát triển, họ có thể hợp tác tự do với bất kỳ tác nhân toàn cầu nào tùy thuộc vào lợi ích mang lại, nhưng không có mối quan hệ nào trong số đó được coi là cố định.

Đáng chú ý là các dân tộc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều có chung lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Họ tin rằng mô hình "Á-Âu" có thể thay thế cho sự thống trị về văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế của phương Tây.

Về cách tiếp cận với các nước nhỏ hơn, ba bên cũng thúc đẩy khái niệm “khu vực sở hữu”, ưu tiên hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực mà không có sự tham gia của bên thứ ba.

Với cách này, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga theo đuổi một tầm nhìn chung ở Biển Đen và hợp tác ở Nam Caucasus. Các nỗ lực tương tự cũng được thực hiện ở Libya và xuất hiện về mặt ý tưởng trong cuộc khủng hoảng gần đây giữa Israel và Hamas.

Iran cũng có âm hưởng với Nga khi nói đến Biển Caspi. Không thế lực nước ngoài nào được phép tiến vào khu vực và các quốc gia nhỏ trong đó phải thừa nhận các lợi ích an ninh và năng lượng quan trọng của Tehran và Moscow.

Trái tim Nga

Bộ ba Nga-Thổ-Iran mang đến một mô hình hợp tác mới lạ.

Khát vọng của bộ ba trong việc lấn át phương Tây có thể nhìn thấy trong các sáng kiến cụ thể như tiến trình Astana và nỗ lực ở Nam Caucasus.

Nga từ lâu muốn có quan hệ tốt hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cả hai quốc gia này đã nổi lên như những trụ cột cho kỳ vọng của Nga thời hậu Xô Viết nhằm xây dựng một chính sách đối ngoại tích cực hơn ở Trung Đông và tái thiết trật tự thế giới hiện có.

Trong khi các xu hướng cơ bản ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu đang kéo bộ ba lại gần nhau, điều này không đồng nghĩa là các bên sẽ tạo ra một nhóm liên minh chính thức.

Đây là điều khiến họ khác biệt với phương Tây. Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ coi việc không có một liên minh chính thức là một lợi ích. Điều này cho phép họ điều phối, cân bằng và tôn trọng các phạm vi ảnh hưởng quan trọng của nhau.

Đối với Nga, hợp tác sâu rộng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có lợi vì cung cấp đòn bẩy cho phương Tây và cho phép Moscow giải quyết các vấn đề quan trọng ở Biển Đen, Kavkaz và Caspi, cũng như Syria.

Có thể nói, Nga muốn Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với NATO, nhưng theo một cách nào đó, vị trí gây chia rẽ liên minh hiện tại có lợi cho Nga hơn là một Thổ Nhĩ Kỳ không bị trói buộc. Đối với Iran, Nga đang tìm cách khiến nước này phụ thuộc vào ảnh hưởng ngoại giao của mình thông qua việc giải quyết vấn đề hạt nhân với phương Tây.

Đối với Moscow, giữ chặt Ankara và Tehran sẽ là gánh nặng địa chính trị đè nén, nhưng việc xa rời họ cũng sẽ gây bất lợi. Nga đang cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh với hai bên.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đương nhiên có tính toán riêng. Mỗi bên đều cầm quân bài Nga trên tay để nhận được sự nhượng bộ từ phương Tây và họ cũng không có khả năng cắt đứt quan hệ với phương Tây lúc này.

Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng sự phụ thuộc quá mức vào phương Tây để chống lại Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh đã mang đến tổn thất cho Ankara, nhưng sự phụ thuộc vào Nga để chống lại Mỹ cũng khiến họ thiệt thòi theo cách tương tự. Iran cũng không thể chỉ bám víu lấy Nga. Cân bằng giữa phương Tây, Trung Quốc và Nga mới là lựa chọn tối ưu nhất.

Bộ ba này đã giới thiệu một mô hình quan hệ mới — một mô hình không bị ràng buộc bởi các quy tắc nhưng vẫn được thúc đẩy bởi những lợi ích chung lâu dài.

Theo Người đưa tin pháp luật

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/can-gi-mot-lien-minh-do-nat-nga-tho-iran-van-ngu-tri-syria-a518444.html

Bạn đang đọc bài viết Cần gì một 'liên minh đổ nát', Nga-Thổ-Iran 'lạt mềm buộc chặt' vẫn ngự trị Syria? tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế