Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vaccine Covid-19 và chuyện chưa kể về hai vợ chồng nhập cư gốc Thổ

VIETQ 15:13 31/05/2021

Đằng sau thành công của loại vaccine Covid-19 được săn lùng nhất hiện nay là ba thập kỷ miệt mài nghiên cứu của cặp vợ chồng nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech là một trong những loại vaccine được chế tạo trong thời gian nhanh nhất từ trước đến nay. Đây cũng là loại vaccine đầu tiên được cấp phép ở phương Tây. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau sự thành công và tiếng vang của vaccine này là 30 năm ròng rã nghiên cứu và phát triển của cặp vợ chồng bác sĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

30 năm về trước ở một vùng nông thôn nước Đức, hai bác sĩ trẻ, con của những người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ đã phải lòng nhau cùng nhau thực hiện ước vọng phát minh ra một phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư.

Bác sĩ Sahin sinh tại thành phố Iskenderun, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 4 tuổi, gia đình ông chuyển đến Cologne, Đức. Tại đây, cha mẹ ông làm việc trong một nhà máy của Ford. Cha của bác sĩ Türeci, một bác sĩ phẫu thuật, cũng đến Đức cùng khoảng thời gian đó để làm việc tại một bệnh viện Công giáo trong thị trấn.

Sahin và Türeci cho biết khi còn trẻ, chính sự bức xúc trước tình cảnh nghặt nghèo của những bệnh nhân ung thư đã truyền động lực cho họ nghiên cứu mRNA. "Chúng tôi nhận ra rằng với liệu pháp điều trị tiêu chuẩn, rất nhanh chóng chúng tôi sẽ không thể làm gì thêm để giúp bệnh nhân", họ nói.

Sau đó, cả 2 bắt đầu nghiên cứu các phương pháp điều trị mới dựa trên việc lập trình hệ thống miễn dịch của cơ thể để đánh bại ung thư như một bệnh truyền nhiễm. Năm 2001, hai người đã thành lập Ganymed Pharmaceuticals GmbH, công ty đầu tiên để phát triển các phương pháp điều trị bằng kháng thể.

“Động lực của chúng tôi là thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và sự sống. Khi nghiên cứu, chúng tôi nhìn ra những giải pháp mà trước đó không thể mang đến cho bệnh nhân của mình”, bác sĩ Türeci nói.

Năm 2008, cặp vợ chồng thành lập BioNTech để mở rộng nghiên cứu từ các phương pháp điều trị kháng thể sang mRNA. Kể từ khi Công ty Ganymed được bán với giá 1,4 tỷ USD vào năm 2016, BioNTech đã trở thành trọng tâm duy nhất của họ. Tất cả giám đốc điều hành tại BioNTech đều là các nhà khoa học, bao gồm cả giám đốc tài chính và bán hàng. Một nửa nhân viên của BioNTech là phụ nữ, bao gồm các nhà khoa học với 60 quốc tịch khác nhau.

Một ngày thứ 7 tháng 1/2020, sau khi đọc một bài nghiên cứu, bác sĩ Sahin đã chắc chắn rằng căn bệnh ít người biết đến ở Trung Quốc sẽ sớm nhấn chìm toàn cầu. Ngay lập tức, ông bắt tay vào thiết kế 10 mẫu vaccine tiềm năng chống lại căn bệnh, một trong số đó sau này trở thành loại vaccine hiện chiếm lĩnh các chiến dịch tiêm chủng ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Cũng trong ngày hôm đó, ông tuyên bố rằng BioNTech sẽ chuyển hướng tập trung nghiên cứu để chống lại một loại virus mà đến thời điểm đó còn chưa được đặt tên và chẩn đoán ở châu Âu. Ông Jeggle, người đã làm việc với bác sĩ Sahin từ năm 2001 nhớ lại: “Nói tôi bất ngờ là nói giảm nói tránh. Bởi thực sự thì lúc đó công ty không còn nhiều vốn và chúng tôi đang tập trung nghiên cứu về ung thư”.

Dự án Lightspeed (Tốc độ ánh sáng), như bác sĩ Sahin gọi, sẽ phát triển một loại vaccine trong vài tháng chứ không phải vài năm như thông thường. BioNTech trước đó đã làm việc với Pfizer, một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia để phát triển loại vaccine ngừa cúm dựa trên công nghệ mRNA. Vì vậy, khi bác sĩ Sahin cần một đối tác để tổ chức thử nghiệm, sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu, ông biết phải tìm đến ai.

Tháng 3/2020, hai công ty ký một thỏa thuận hợp tác. Một tháng sau đó, những thử nghiệm vaccine đầu tiên trên người đã bắt đầu. Vaccine của Pfizer và BioNTech sau đó lần lượt được cấp phép sử dụng ở Anh, Mỹ và các nước châu Âu khác, với hiệu quả cao được xác nhận ở nhiều nước.

Theo báo cáo tài chính mới nhất, Pfizer dự đoán doanh thu vaccine sẽ đạt mức 26 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, bác sĩ Sahin nói rằng mọi khoản lợi nhuận thu được sẽ tái đầu tư. Ông khẳng định đích đến của BioNTech không thay đổi: Đưa phác đồ điều trị ung thư dựa trên mRNA và các phương pháp tân tiến khác ra thị trường.

Điều kiện bảo quản và vận chuyển từng là trở ngại lớn cho vaccine của Pfizer. Điều này ảnh hưởng đến việc phân phối vaccine và khả năng tiếp cận của người dân, bởi không phải nước nào hay địa phương nào cũng có sẵn kho siêu lạnh. Ngay cả những nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu thoạt đầu cũng thấy khó với điều kiện này.

Dưới áp lực từ cơ quan quản lý dược phẩm của nhiều nước (và nhu cầu mở rộng thị trường trước các đối thủ), Pfizer đã tăng nhiệt độ và thời gian bảo quản của vaccine. Theo đó, một lọ vaccine chưa rã đông có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2ºC đến 8ºC trong vòng 5 ngày đến một tháng.

Mới đây, bác sĩ Sahin dự đoán rằng tình hình dịch bệnh sẽ còn lan rộng đến giữa năm 2022 do đợt bùng phát ở Ấn Độ và sự khan hiếm vaccine vẫn tiếp diễn. Ông khuyên chính phủ các nước nên cân nhắc việc sử dụng phối hợp các hãng vaccine khác nhau. Ông khẳng định rằng đại dịch sẽ không chấm dứt chừng nào miễn dịch cộng đồng chưa đạt được trên toàn thế giới. Vợ chồng bác sĩ Sahin và Türeci cũng nói rằng họ đang mở rộng liên minh sản xuất gồm hơn 30 công ty để sản xuất nhiều vaccine hơn và cung cấp cho các quốc gia như Ấn Độ.

Link gốc : http://vietq.vn/vaccine-covid-19-va-chuyen-chua-ke-ve-hai-vo-chong-nhap-cu-goc-tho-d187458.html

Bạn đang đọc bài viết Vaccine Covid-19 và chuyện chưa kể về hai vợ chồng nhập cư gốc Thổ tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế