Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Bộ KH&CN chỉ rõ hàng loạt sai phạm của Asanzo về sở hữu trí tuệ

DTVN 20:17 28/10/2019

Qua quá trình kiểm tra, phân tích, Bộ KH&CN đã chỉ ra nhiều sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại cuộc họp liên ngành tổ chức ngày 28/10, Tổng cục Hải quan cùng với đại diện các bộ, ngành, cơ quan điều tra đã tiến hành thảo luận, thống nhất các kết quả điều tra, xác minh liên quan đến các dấu hiệu sai phạm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Công ty Asanzo).

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ KH&CN khẳng định 2 nội dung quan trọng liên quan tới Asanzo là vấn đề chuyển giao công nghệ và vi phạm nhãn hiệu.

Về chuyển giao công nghệ, đại diện Asanzo cho biết phía công ty đã thông qua ký kết với Sharp – Roxy Hongkong, tuy nhiên, Bộ KH&CN khẳng định không nhận được bất kỳ đăng ký chuyển giao công nghệ nào giữa Asanzo và Sharp - Roxy Hong Kong. Trong tháng 8/2019, Bộ này cũng có công văn 2436 trả lời Công ty Asanzo, trong đó khẳng định, theo nội dung hợp đồng thì chưa thể hiện việc chuyển giao công nghệ. Do vậy, Bộ KH&CN chưa đủ cơ sở cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ.

Về đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, trước đó, cục Sở hữu trí tuệ đã nhận được đơn của Công ty TNHH và sản xuất Đông Phương đề nghị hủy bỏ nhãn hiệu “Asanzo và hình” đã cấp cho Asanzo. Ngày 24/10, cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành ba quyết định hủy bỏ những quy định đã cấp về nhãn hiệu cho Asanzo.

Qua kiểm tra ngẫu nhiên 20 sản phẩm, đoàn kiểm tra Bộ KH&CN phát hiện có 12 sản phẩm vi phạm quy định nhãn. Đây là những hàng hóa được nhà nhập khẩu bán lại cho Công ty Asanzo. Mở rộng phạm vi điều tra, do những đơn vị nhập khẩu đến lúc đó không tồn tại ở địa chỉ đăng ký nên Bộ KH&CN không làm việc trực tiếp để xử lý được.

Đại diện Tổng cục Hải quan trao đổi thông tin tại cuộc họp. Ảnh:VGP.

Về kết quả quả kiểm tra, khám xét đối với lô hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo, qua kiểm tra 14 container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo (Công ty TNHH Đầu tư Phương Nguyên Asanzo và Công ty TNHH Đầu tư thương mại Việt Tài), cơ quan chức năng xác định: Hàng hóa nhập khẩu gồm máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện nguyên chiếc, xuất xứ: Made in China, thể hiện trên bao bì (dán trực tiếp lên thùng cáctông và trên sản phẩm chữ Made in China bằng giấy decal, nền trắng, chữ đen - dán phía sau máy).

Kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ xác định: Dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhạn hiệu số 107919 của Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương.

Đối chiếu với kết quả giám định với các nhóm hàng: nhóm 7, nhóm 9, nhóm 11 mà Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương đã đăng ký thương hiệu, cơ quan chức năng kết luận có căn cứ khẳng định “nhãn hàng Asanzo, hình” đã vi phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hàng “Asano, hình” đã được đăng ký sử dụng với Cục Sở hữu trí tuệ.

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định của Chính phủ, cơ quan chức năng xác định hành vi nhập khẩu máy làm mát mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc vào Việt Nam của Công ty TNHH đầu tư và sản xuất Phương Nguyên Asanzo đã vi phạm khoản b, c của điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.

Về việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo và các nội dung liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng kết luận tại bản án vào tháng 1-2019 của TAND Cấp cao tại TP.HCM xét phúc thẩm công khai về “Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ” giữa công ty Phương Đông và Công ty CP Điện tử Asanzo đã tuyên xử buộc Công ty CP Điện tử Asanzo phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình”.

Tuy nhiên, công ty này vẫn ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho Công ty CP Tập đoàn Asanzo trên các sản phẩm, chưa xóa bỏ nhãn hiệu trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam là không chấp hành bản án, vi phạm các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng kết luận hành vi của Công ty CP điện tử Asanzo là xâm phạm quyền nhãn hiệu theo điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ khi ký 7 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các đối tác.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã đề nghị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố vụ án “buôn lậu” về việc công ty khai nhập khẩu hàng hóa là linh kiện dùng để lắp ráp lò nướng thủy tinh nhưng khi kiểm tra, phát hiện toàn bộ hàng hóa là 1.300 bộ lò nướng thủy tinh nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo có cả phiếu bảo hành ghi sẵn bằng tiếng Việt: “Asanzo - Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, kèm số đường dây nóng 18001035, toàn bộ lò nướng này không có tem nhãn ghi thông tin xuất xứ.

Liên quan đến cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm của Asanzo không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.

Tại công văn số 2294/BKHCN-TTr ngày 31-7-2019 cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến thông tin, tài liệu về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp, việc sử dụng slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam và các công ty có liên quan.

Cơ quan hải quan cũng cho biết quy trình lắp ráp của Asanzo không như quảng cáo. Việc lắp ráp sản phẩm đều diễn ra thủ công, không có dây chuyền hiện đại. Asanzo không tự sản xuất mà chủ yếu nhập linh kiện từ các doanh nghiệp trong nước rồi lắp ráp thủ công để tạo thành hàng hóa hoàn chỉnh, bán ra thị trường. Những linh kiện trên chủ yếu được một số doanh nghiệp khác nhập khẩu từ Trung Quốc, rồi bán lại cho Asanzo.

Việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng chỉ khoảng 1-2%, do đó, theo cơ quan hải quan, căn cứ vào các quy định thì không thể cho rằng đây là sản phẩm "Made in Vietnam". Việc Asanzo sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao" có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

Theo Phong Lâm/VietQ

Bạn đang đọc bài viết Bộ KH&CN chỉ rõ hàng loạt sai phạm của Asanzo về sở hữu trí tuệ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp