CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (viết tắt: VASS) vừa công bố kết quả kinh doanh Quý 3/2019, ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong kỳ đạt 911 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Song, ở chiều hướng ngược lại, các khoản chi phí trọng yếu của VASS lại có tốc độ gia tăng nhanh hơn.
Cụ thể, tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm trong Quý 3/2019 tăng vọt lên mức 641,4 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2019, khoản chi phí này đã đạt 1.555 tỷ đồng trong kỳ cùng kỳ chỉ đạt 1.111,5 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, các khoản chi phí hoa hồng bảo hiểm, chi phí dịch vụ mua ngoài (trong chi phí quản lý) luôn chiếm tỷ trọng cao trong chi phí bảo hiểm của VASS.
Bên cạnh đó, các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt mức 290 tỷ đồng.
Chi phí có tốc độ tăng nhanh đột biến đã khiến VASS báo lỗ trước thuế hơn 22,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi. Kết quả kinh doanh sụt giảm trong quý 3 khiến mức lãi lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 của VASS bị “kéo lùi” xuống mức 29,7 tỷ đồng (trong nửa đầu năm 2019 đạt 52,42 tỷ đồng), hoàn thành 16,31% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.
Báo cáo kết quả kinh doanh của VASS |
Nét tích cực trong hoạt động kinh doanh của công ty đến từ việc doanh thu hoạt động kinh doanh lũy kế 9 tháng đã đạt mức 2.336 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch cả năm (2.000 tỷ đồng) mà Đại hội đồng cổ đông của VASS đã đề ra.
Tài sàn ngắn hạn giảm một nửa: Vì sao?
Tính đến ngày 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của VASS đạt 1.292 tỷ đồng, giảm gần 173 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, cơ cấu tài sản ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể giữa tài sản ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể, tài sản ngắn hạn của VASS giảm gần một nửa so với đầu năm, từ mức 1.203 tỷ đồng xuống chỉ còn 691,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu ngắn hạn giảm 3,3 lần so với đầu năm, xuống mức 262,23 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của VietTimes, tại thời điểm đầu năm 2019, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu phải thu ngắn hạn của VASS là các khoản phải thu về hợp đồng bảo hiểm (342,18 tỷ đồng) và tiền trả trước mua nhà (380 tỷ đồng). Tính tới cuối tháng 6/2019, cả 2 khoản mục này đều có xu hướng giảm mạnh, riêng khoản trả trước mua nhà đã không còn được ghi nhận.
Trụ sở của CTCP Bảo hiểm Viễn Đông tại số nhà 19 Phùng Khắc Khoan (Q.1, Tp. HCM), bất động sản mà công ty này bị cho là đã mua đắt từ "shark" Liên. |
Trước kỳ này, đáng chú ý, VASS cũng đã tất toán được một "thương vụ bạc tỷ" với bà Đỗ Thị Kim Liên ("shark" Liên). Theo đó, công ty hoàn tất thu tục mua xong khu đất rộng 291,68 m2 (cùng công trình xây dựng) tại địa chỉ số 19 Phùng Khắc Khoan (Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM) từ bà Đỗ Thị Kim Liên. Dù đã được dậm dạp từ năm 2017 nhưng phải đến nửa đầu năm 2019 vừa rồi, VASS mới trả hết tiền để hoàn tất thương vụ.
Tạm tính, VASS đã phải bỏ ra tới 1,3 tỷ đồng cho mỗi m2 đất. Nhưng đáng nói là mức giá này lại cao hơn nhiều lần so với mặt bằng giá thị trường (theo khảo sát của VietTimes). Nên biết khu đất tại số 19 Phùng Khắc Khoan mới chỉ được "shark" Liên mua lại từ một cá nhân khác từ đầu thập niên này.
Bà Đỗ Thị Kim Liên cũng có mối quan hệ khá đặc biệt với VASS khi người em gái Đỗ Thị Minh Đức đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của VASS, đồng thời cũng là cổ đông lớn (thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư với CTCP Thủ Phủ Tre - nay có tên gọi là CTCP Bamboo Capital) nắm giữ cổ phần chi phối, tương đương với 52% vốn điều lệ của công ty này.
Một phần báo cáo tài chính Quý 3/2019 của VASS |
Nhiều khả năng bất động sản kể trên đã được hạch toán vào khoản mục tài sản cố định hữu hình của VASS khi công ty này ghi nhận số dư cuối kỳ tăng mạnh, từ 7,6 tỷ đồng hồi đầu năm lên mức 384,2 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2019. Đà tăng của tài sản hữu hình giúp cho tài sản dài hạn của VASS trong kỳ tăng gần gấp 3 lần, đạt mức 600,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, khoản đầu tư tài chính dài hạn đáng chú ý của VASS vào CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14 (Toàn Mỹ 14) chỉ còn ghi nhận giá trị 73 tỷ đồng cuối kỳ, giảm 52 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản đầu tư vào Toàn Mỹ 14 được VASS thực hiện thông qua việc mua lại cổ phần từ chính nữ Chủ tịch Đỗ Thị Minh Đức. Tuy nhiên, xác định đây là khoản đầu tư chưa phù hợp với quy định, Bộ Tài chính đã có yêu cầu công ty phải thực hiện thu hồi.
Tại thời điểm cuối Quý 3/2019, quy mô vốn chủ sở hữu của VASS có cải thiện rõ rệt so với đầu kỳ nhưng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn là 46,1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do quy mô vốn đầu tư của chủ sở hữu của công ty ở mức 500 tỷ đồng thì khoản lỗ lũy kế cuối kỳ đã lên tới 456 tỷ đồng. Nguốn vốn của VASS chủ yếu đến các khoản nợ phải trả, trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 924,56 tỷ đồng.
Ký quỹ 2 tỷ đồng để tham gia Shark Tank Việt Nam Tính đến ngày 30/9/2019, VASS ghi nhận có 2 công ty con sở hữu trực tiếp là CTCP Chứng khoán Viễn Đông (tỷ lệ sở hữu 80%) và CTCP dịch vụ và đầu tư Lian (viết tắt: Lian IAS, tỷ lệ sở hữu là 75%). Công ty Lian IAS mới được thành lập vào ngày 9/5/2019, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại khu nhà đất số 19 Phùng Khắc Khoan mà VASS đã mua từ bà Đỗ Thị Kim Liên. Bên cạnh đó, bà Liên cũng tham gia góp 8 tỷ đồng, tương ứng 20% vốn điều lệ của Lian IAS. Ngoài ra, như VietTimes đã từng đề cập, VASS còn cung cấp một khoản vay có hạn mức tối đa 50 tỷ đồng cho CTCP Nước Aqua One, với mức lãi suất là 6%/năm, hiện do bà Đỗ Thị Kim Liên làm người đại diện theo pháp luật. Bà Đỗ Thị Kim Liên còn được biết tới với vai trò “Shark Tank” trong chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam mùa 3. Trên báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của VASS, công ty này đang ghi nhận khoản “Ký quỹ để tham gia Sharktank” là 2 tỷ đồng. |
Theo VietTimes