Tổng công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (VinaFood2 – mã VSF) vừa công bố báo cáo tài chính riêng III/2019.
Theo đó, hoạt động kinh doanh trong quý III của VinaFood 2 đạt doanh thu thuần 2.422 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán vẫn chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh thu thuần tới 94%, khiến lợi nhuận gộp thấp, chỉ đạt 155 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tới 164 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận gộp.
Lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí hoạt động, cộng với lỗ trong hoạt động tài chính gần 13 tỷ đồng khiến lợi nhuận từ kinh doanh quý III âm 25,8 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế chỉ còn âm gần 20 tỷ đồng nhờ được bù đắp từ lợi nhuận khác gần 6 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VinaFood 2 lỗ 73,7 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận gộp kiếm được (768 tỷ đồng) không đủ bù đắp chi phí hoạt động (786 tỷ đồng).
Theo giải trình của VinaFood 2 về lợi nhuận tiếp tục lỗ quý III gần 20 tỷ đồng, đưa tổng mức lỗ lên tới 73,7 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, nguyên nhân do tình hình giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam trầm lắng và tiêu thụ nội địa chậm, nhu cầu rất yếu, giá chào người mua đưa ra rất thấp so với giá thành sản xuất.
Với mức lỗ gần 74 tỷ đồng trong 9 tháng qua, đóng góp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm tăng lên 1.908 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của VinaFood 2 tiếp tục giảm còn 3.340 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của công ty ở mức 6.302 tỷ đồng, giảm 8,8% so với đầu năm.
Trong kỳ, nợ xấu của Vinafood 2 tiếp tục tăng lên 1.323 tỷ đồng so với mức 1.304 tỷ đồng kỳ 6 tháng 2019 và vẫn còn khoản tài sản thiếu chờ xử lý 661 tỷ đồng là tồn kho “bốc hơi” được chỉ rõ trong báo cáo tài chính 6 tháng 2019.
Bổ sung kinh doanh thêm lĩnh vực bất động sản, xăng dầu
Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) bổ sung bốn ngành nghề kinh doanh mới gồm bất động sản, đại lý xăng dầu, bán lẻ nhiên liệu động cơ và quản lý bãi đỗ phương tiện đường bộ.
Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư cho các ngành nghề mới chưa được Vinafood 2 tiết lộ. Cùng với hoạt động truyền thống là bán buôn gạo, hai ngành nghề liên quan đến kinh doanh xăng dầu và nhiên liệu đều giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, Vinafood 2 đề nghị cổ đông thông qua phương án chốt room khối ngoại 0% dù kế hoạch cổ phần hóa trước đó từng cho biết sẽ bán đấu giá lên đến gần 23% vốn cho nhóm đối tượng này.
Theo Báo cáo của Hội đồng quản trị, Vinafood 2 chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ tháng 10.2018. Đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa được xử lý như: Tài sản không cần dùng, chờ thanh lý tồn đọng lớn; các khoản nợ tồn đọng, thiếu hụt hàng tồn kho làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn lưu động của Tổng công ty trước và sau khi chuyển thành công ty cổ phần…
Đặc biệt, các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần được xác định lại giá trị đầu tư tài chính 1.281 tỉ đồng, nhưng các đơn vị kinh doanh thua lỗ làm giảm vốn tại các đơn vị này dẫn đến khi chuyển sang công ty cổ phần phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tương đương 425,5 tỉ đồng (trong đó có 10 công ty cổ phần đã mất hết vốn với giá trị hơn 328,5 tỉ đồng)…
Kết quả Vinafood 2 phải trích lập dự phòng đầy đủ với số tiền hơn 1.728 tỉ đồng làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh giai đoạn sau cổ phần hóa. Lợi nhuận sau thuế của công ty từ tháng 10.2018 - 12.2018 lỗ hơn 1.834,47 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 36,69% trên vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng). Theo báo cáo cả năm 2018 sau khi trích lập dự phòng, công ty mẹ Vinafood 2 bị lỗ hơn 1.772 tỉ đồng.
Phương Lê (T/H)