Kỳ lễ 30/4, 1/5 vừa qua chứng kiến những tín hiệu tích cực của ngành du lịch, trước khi manh nha thông tin về sự trở lại của dịch Covid-19 thì nhiều khách sạn đã thông báo không còn phòng trống trong dịp này.
Theo số liệu từ Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, các khách sạn nội đô ghi nhận mức công suất tốt, trên 70%. Trong khi đó, các khu du lịch ven biển còn hầu hết đạt mức công suất trên 80%, có nơi đạt công suất tối đa trong suốt kỳ nghỉ lễ.
Thậm chí, trong cả năm 2021 toàn ngành du lịch đã đạt kỳ vọng tăng trưởng 42%, khai thác và phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách du lịch nội địa. Con số này tương đương với lượng khách du lịch từng đạt được vào năm 2019, trước khi dịch bệnh diễn ra.
Tưởng như những con số đầy khích lệ trong dịp nghỉ lễ vừa qua sẽ giúp ngành du lịch phát triển trở lại sau một năm 2020 đầy biến cố thì đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra sau đợt thứ 3 không lâu đã khiến tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi.
Trên thực tế, rất nhiều khách sạn tại khu vực Phố cổ Hà Nội như phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Ngõ Huyện… đã treo biển bán bởi tình hình kinh doanh du lịch không khả quan từ khi dịch bệnh bùng phát vào giữa năm 2020. Nếu lên các website chuyên giao dịch, mua bán bất động sản, không khó để thấy được tên tuổi của loạt khách sạn trên đó với mức giá từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở Hội An, địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. Từng đón hàng triệu lượt khách nhưng cũng bởi dịch Covid mà năm nay ngành du lịch ở đây rơi vào tình trạng ế ẩm. Hàng loạt khách sạn tại địa phương này đã bị thanh lý, bán tháo "cắt lỗ", chuyển nhượng gấp... Chứng tỏ dịch bệnh đã thực sự khiến các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực nổi tiếng "thấm đòn", họ bắt buộc phải rao bán tài sản để giảm tối đa thiệt hại.
Nhiều doanh nghiệp còn bi đát đến mức phải rao bán khách sạn, resort tọa lạc tại các vị trí đắc địa, nơi từng đem về nguồn tiền chính trước dịch Covid bùng nổ.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương đã kết luận làn sóng dịch Covid lần thứ tư đã khiến ngành dịch vụ lưu trú chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều khách sạn, nơi nghỉ chân đều nhận được yêu cầu hủy phòng hoặc đặt lại ngày lưu trú.
Bên cạnh đó, các hoạt động gặp mặt, kinh doanh sự kiện tại hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh cũng bị tạm hoãn và hủy bỏ cũng khiến nhiều khách sạn bị tác động theo.
Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong dịch bệnh chưa rõ khi nào mới chấm dứt thì không biết ngành khách sạn, lưu trú có "trụ" nổi không hay sau đó tình trạng bán tháo sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn bởi nhiều doanh nghiệp đã tới giới hạn chịu đựng những thiệt hại từ dịch bệnh.