Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 27/04/2024

Bất cập trong đấu thầu xây lắp: Kỳ 1- Cần hoàn thiện chế tài để tạo môi trường minh bạch, công bằng

Sở hữu trí tuệ 08:51 19/05/2021

Ở nhiều địa phương vẫn xuất hiện những tình trạng gian lận, thậm chí không đủ yêu cầu vẫn được phê duyệt trúng thầu...

Đấu thầu là một phương thức kinh doanh dựa vào tính chất cạnh tranh trên thị trường, trải qua thời gian dài cho thấy đấu thầu nếu được thực hiện đúng có thể tiết kiệm hay làm lợi đáng kể một số kinh phí cho ngân sách nhà nước so với các phương pháp đã thực hiện trước đây.

Hiện nay, đấu thầu có nhiều hình thức thực hiện khác nhau như đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt... nhưng trong đó đấu thầu rộng rãi là loại hoàn chỉnh nhất vì nó mang lại nhiều hiệu quả cũng như tính minh bạch cho những đối tượng tham gia phục vụ xây dựng các công trình và hình thức này cũng đang được áp dụng phổ biến tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên việc thực hiện công tác đấu thầu trong những năm qua vẫn là quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện nên còn bộc lộ rất nhiều hạn chế vướng mắc và những bất cập.

Đấu thầu trực tiếp… nhiều tiêu cực xảy ra?

Trước đây, qua kiểm tra, giám sát tại nhiều gói thầu thực hiện bằng hình thức trực tiếp, các cơ quan quản lý đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện.

Theo đó, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, quây thầu hay một số chủ đầu tư cố tình làm khó nhà thầu trong quá trình tham dự. Nhà thầu muốn tham dự thầu thì phải liên hệ với bên mời thầu/chủ đầu tư để mua hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí là phải làm các thủ tục để đăng ký rồi mới được mua HSMT. Trên thực tế đã có không ít chủ đầu tư và bên mời thầu cố tình đưa ra các lý do để “hành” nhà thầu trong quá trình mua HSMT, làm hạn chế sự tiếp cận HSMT của các nhà thầu.

tm-img-alt

Ảnh minh họa

Chẳng hạn như công tác đấu thầu tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong thời gian gần đây đang xuất hiện Công ty TNHH Xây Dựng Kim Tiến dễ dàng trúng những gói thầu được thực hiện qua hình thức trực tiếp. Điều đáng nói, những gói thầu mà doanh nghiệp này trúng thầu đều có sự xuất hiện của 2 doanh nghiệp quen mặt nhằm tạo đủ “đội hình” đấu thầu khi trượt ngay từ "vòng gửi xe".

Cụ thể, tại gói thầu “Nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục xóm 1 đoạn từ đầu xóm 2 đến giáp đê Bình Minh 2 xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình”. Ngày 20/01/2021, ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Kim Đông ký phê duyệt quyết định cho công ty Kim Tiến trúng thầu với giá 12.909.578.000VNĐ, gói thầu có giá 12.978.249.000VNĐ.

Ở gói thầu này, Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Vũ Ninh (Công ty Vũ Ninh – PV) và Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Trần Đức (Công ty Trần Đức – PV) nhưng cả hai nhà thầu này đều bị đánh trượt do không đáp ứng được yêu cầu về tài chính trong hồ sơ mời thầu.

Tương tự, tại gói thầu “Xây dựng cấp bách kè bảo vệ đường WB2 giáp sông Cà Mau thuộc địa bàn thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn” do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT làm bên mời thầu. Điều trùng hợp ở gói thầu này khi có công ty Trần Đức và công ty Vũ Ninh tham dự đều bị đánh trượt do cả hai không đáp ứng được yêu cầu về năng lực cũng như kinh nghiệm của hồ sơ mời thầu. Cuối cùng, công ty Kim Tiến dễ dàng trúng thầu với giá 4.931.090.000VNĐ.

Nhìn được lợi ích từ việc đầu tư công, nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng dùng mọi cách để có thể đạt được gói thầu, hay cả những đơn vị chủ đầu tư không trong sạch cũng sẵn sàng móc ngoặc với các nhà thầu rồi từ đó ăn chia lợi nhuận của gói thầu. Khi các đơn vị nhà thầu không chịu được mức phần trăm hoa hồng, rồi dẫn đến việc ăn bớt vật liệu làm ảnh hưởng đến đầu tư công cũng như ngân sách nhà nước.

Một trường hợp khác vào hồi năm 2019, dư luận vẫn chưa quên được sự việc hồ sơ dự thầu của một doanh nghiệp bị cướp trắng trợn khi đang trong quá trình tham dự tại gói thầu do Ban QLDA môi trường và biến đổi khí hậu TP Đồng Hới làm bên mời thầu. Sự việc này cũng là một trong những vấn đề điển hình ở các cuộc đấu thầu trực tiếp.

Áp dụng đấu thầu qua mạng

Để cải thiện môi trường về đấu thầu được tốt hơn, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2020, thay thế Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC (gọi tắt là Thông tư 07) quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu, lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng và quản lý, sử dụng giá trị bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả.

Theo quy định mới tại Thông tư 11, đối với lựa chọn nhà thầu, trong quá trình đăng tải thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng, bên mời thầu phải đính kèm các tài liệu về quyết định phê duyệt HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá; HSMT, HSYC, yêu cầu báo giá được phê duyệt.

HSMT, HSYC được phát hành trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia ngay sau khi đăng tải thành công thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng. Đối với đấu thầu không qua mạng, trường hợp HSMT, HSYC được bán theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT, HSYC trước khi hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tiếp nhận.

Bên cạnh đó, Thông tư 11/2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành còn hướng dẫn áp dụng lộ trình đối với việc thực hiện đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính minh bạch cũng như đề phòng việc các chủ đầu tư cố tình gây khó dễ cho các nhà thầu tham dự.

tm-img-alt

Cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát và tập huấn tới các chủ đầu tư nhằm nâng cao công tác đấu thầu qua mạng để đạt được hiệu quả

Cụ thể, năm 2020 tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 60% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 25% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Tương ứng trong năm 2021 là các mức không quá 10 tỷ đồng và không quá 20 tỷ đồng; đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu và tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu.

Giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% số lượng gói thầu mua sắm tập trung.

Ngoài các nội dung nêu trên, Thông tư 11 cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo thuận lợi cho các bên tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia….

Đặc biệt, so với quy định tại Thông tư 07, quy định mới tại Thông tư 11 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà thầu, nhà đầu tư trong việc bổ sung, đăng ký tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để đảm bảo tư cách hợp lệ khi tham gia đấu thầu trong suốt quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, thay vì phải hoàn thiện việc đăng ký trước thời hạn đóng thầu 2 ngày làm việc.

Với việc áp dụng theo lộ trình thực hiện Thông tư 11, lợi ích và hiệu quả của việc đấu thầu qua mạng đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, dù đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đâu đó vẫn có những “rào cản” vô hình, khiến hiệu quả đấu thầu qua mạng bị ảnh hưởng hay những bất cập cụ thể tại nhiều cuộc thầu mà chủ yếu xuất phát từ một số chủ đầu tư không có đầy đủ chuyên môn.

Chế tài mới… có đủ chặt chẽ?

Tại một số tỉnh thành phố như Hưng Yên, Hà Nam, Hải phòng… tại các gói thầu thực hiện qua mạng đang xuất hiện những sai phạm liên quan đến hồ sơ dự thầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, chủ đầu tư ở những gói thầu lại không có đầy đủ chuyên môn để phát hiện hay toàn bộ quy trình thực hiện đấu thầu đều được giao cho một đơn vị doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện đang dẫn đến những hệ lụy…

tm-img-alt

Công tác đấu thầu xây lắp tại nhiều tỉnh thành vẫn để xảy ra những sai phạm

Đơn cử như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh có địa chỉ tại thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên tham dự gói thầu cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Nhân La, huyện Kim Động (đoạn từ cầu Giang đến trạm điện thôn Giang), trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Gói thầu xây dựng khu đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân làm nhà ở tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, trị giá hơn 6,8 tỷ đồng.

Gói thầu cải tạo, nâng cấp đường giao thông đoạn từ đường ĐH.72 đi qua địa phận thôn Lương Xã đến tiếp giáp xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, trị giả hơn 2 tỷ đồng. Gói thầu nâng cấp, cải tạo đoạn từ dốc đê qua UBND xã Đức Hợp đến ngã tư thôn Tam Đa trị giá hơn 1,8 tỷ đồng,

Tại hồ sơ mời thầu của các gói thầu trên có yêu cầu chỉ huy trưởng công trình và cán bộ kỹ thuật phải có bằng đại học. Công ty Hoàng Anh đã đề xuất hai nhân sự Vũ Văn Hội và Lê Minh Đức để tham gia thực hiện, tuy nhiên, đối với chứng chỉ của ông Lê Minh Đức đã hết hạn nhưng bên mời thầu, tổ chuyên gia chấm thầu cùng với đơn vị thẩm định cũng không yêu cầu nhà thầu làm rõ về sự việc. Thay vào đó, công ty Hoàng Anh đã được phê duyệt kết quả trúng thầu toàn bộ các gói thầu trên khi không đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Hay trường hợp tại tỉnh Hà Nam, mới đây Công ty CP Phát triển công nghệ xây dựng Nam Hà được phê duyệt trúng hai gói thầu “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông trục xã Chuyên Ngoại” và Cải tạo, nâng cấp đường từ QL21B qua khu quy hoạch chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản xã Đồn Xá đến cầu Biên Hòa”. Ở cả hai gói thầu này công ty Nam Hà đã đề xuất nhân sự Trần Thanh Nhã và Nguyễn Văn Sơn để huy động thực hiện thi công.

Theo Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hồ sơ mời thầu cũng nêu rõ: “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu đang xét. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”. Tuy nhiên, công ty Nam Hà đã cố tình làm trái quy định dẫn đến hậu quả chủ đầu tư ký quyết định phê duyệt cho nhà thầu có hành vi gian lận.

Theo ý kiến của chuyên gia đấu thầu, đối với đấu thầu qua mạng, các tài liệu đều là bản scan, do đó rất cần sự xác nhận, đối chiếu của các chủ đầu tư trước đó để làm rõ giá trị của hợp đồng tương tự, năng lực của nhà thầu. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư chậm trễ, thậm chí thoái thác, bất hợp tác gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan có chức năng xử lý kiến nghị về đấu thầu.

Hành vi gian lận trong đấu thầu, theo quy định, bị xử lý rất nặng với khả năng bị cấm thầu rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sống còn” của nhà thầu. Bên cạnh đó, nếu chiểu theo quy định tại Điều 222 của Bộ luật Hình sự, người nào có hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì có nguy cơ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù cao nhất đến 20 năm nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên.

Còn nữa...

Theo SHTT

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/bat-cap-trong-dau-thau-xay-lap-ky-1-can-hoan-thien-che-tai-de-tao-moi-truong-minh-bach-cong-bang-d98734.html

Bạn đang đọc bài viết Bất cập trong đấu thầu xây lắp: Kỳ 1- Cần hoàn thiện chế tài để tạo môi trường minh bạch, công bằng tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư