Chia sẻ về thị trường bất động sản và cách tháo gỡ khó khăn của ngành này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu suy giảm cả phía cung và phía cầu từ cuối năm 2019. Một số phân khúc giảm mạnh như bất động sản nghỉ dưỡng, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê. Trừ phân khúc bất động sản, các phân khúc còn lại đều tăng chậm, dần đi vào trầm lắng.
Ông Nghĩa cho rằng, đây là điều đã được nhiều nhà phân tích dự báo từ trước, như là biến động có tính chu kỳ sau thời gian dài phục hồi, mặc dầu thị trường chưa đạt đến giai đoạn “bong bóng”. Sau đó, sự xuất hiện dịch Covid – 19 bùng nổ như tạo thêm “cú bồi” vào thị trường vốn đã khó khăn.
“Thị trường bất động sản rơi vào trạng thái “hôn mê” mà khả năng phục hồi nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế và hành động chính sách của Chính phủ”, ông Nghĩa nói.
Để bất động sản “bật dậy” sau dịch Covid-29, ông Nghĩa cho rằng các gói kích thích kinh tế hiện tại của Chính phủ cũng có tác động tích cực đến thị trường nói chung, kể cả các chủ trương về phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp và biện pháp cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi luật pháp. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa vẫn phải có biện pháp riêng cho thị trường bất động sản.
“Nếu muốn cho dân ở nhà giá rẻ, cần tính toán việc giảm thuế cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản, đặc biệt là thuế quyền sử dụng đất. Không phải giảm một thời gian ngắn mà cần giảm vĩnh viễn, mức giảm 20-50%”, ông Nghĩa kiến nghị.
Cũng theo ông Nghĩa, cần sớm gỡ các nút thắt về pháp lý. Trở ngại lớn nhất để phục hồi thị trường bất động sản là các vấn đề pháp lý và thủ tục hành chính như đấu thầu đất công, đất thuê, thủ tục giải phóng mặt bằng, đất phân lô bán nền và tính không minh bạch từ quy hoạch đến thủ tục chuyển mục đích sử dụng…
“Để khắc phục tình trạng vô cùng phức tạp này, cần có cơ quan chuyên trách rà soát lại toàn bộ quy định pháp lý, giúp chỉnh sửa các luật, đơn giản hóa thủ tục và chế tài xử lý minh bạch, và phải làm liên tục trong vài năm”, ông Nghĩa đề xuất.
Còn về mặt tín dụng, ông Nghĩa ho rằng, cần giảm tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng bất động sản, nới lỏng các biện pháp hạn chế cho vay bất động sản và cho vay mua nhà, tạm thời duy trì tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một số năm. "Bất kỳ động thái nào từ ngân hàng đều có tác động mạnh đến thị trường bất động sản. Khi siết chặt thị trường cho vay bất động sản thì thị trường xuống dốc", ông Nghĩa nói.
Cũng bình luận về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thị trường bất động sản có xu hướng chững lại ở một số phân khúc; Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững; Hiện hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và hàng trăm Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành.
Ngoài ra, còn có gần 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật. Nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Còn thiếu các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh các sản phẩm bất động sản mới xuất hiện trên thị trường như bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch).
Tác động tiêu cực lịch sử của đại dịch Covid-19 như thu nhập của những người làm nghề này khó khăn; Tồn kho bất động sản vẫn nhiều đặc biệt là bất động sản cao cấp. Các dự án chưa thể khai thác như condotel, du lịch nghỉ dưỡng… đã hoàn thiện nhưng chưa có khách nên không dám mở cửa.
Do đó, ông đưa ra các kiến nghị cần tập trung giải quyết như: Tài chính tín dụng, các vấn đề đã được xử lý nhưng chưa triệt để, cơ cấu thời hạn trả nợ gốc và lãi theo Nghị quyết 41, thời gian trả nợ cần thời gian cụ thể và rõ ràng hơn. Đồng thời, đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế doanh nghiệp.
Theo Thảo Nguyên/VietQ