Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Thái Bình: Chủ đầu tư Thành Công Tower có dấu hiệu huy động vốn 'khủng' trái phép

DTVN 17:17 12/06/2020

Dự án hiện vẫn là bãi đất trống, tuy nhiên, chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn với số tiền hàng trăm triệu đồng với mỗi khách hàng. Số tiền trên được Công ty Thành Công cho là thoả thuận đặt cọc

Sau gần 3 năm dự án vẫn nằm im trên bãi cỏ um tùm

Thời gian qua, đường dây nóng của Đầu Tư Việt Nam nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến việc huy động vốn tại dự án chung cư Thành Công Tower của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thành Công, địa chỉ tầng 5 tòa nhà Thành Công Plaza, phường Quang Trung, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Theo phản ánh, dự án trên hiện vẫn là bãi đất trống, tuy nhiên, chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn với số tiền hàng trăm triệu đồng với mỗi khách hàng. Số tiền trên được Công ty Thành Công cho là thoả thuận đặt cọc giữ chỗ.

Theo tìm hiểu, dự án chung cư Thành Công Tower (nằm trong Dự án Khu dân cư Thành Công) do Công ty cổ phần tư vấn và xây dựng Thành Công làm chủ đầu tư, thuộc địa phận phường Quang Trung, TP. Thái Bình. Dự án trên được quy hoạch 18 tầng, bao gồm 253 căn hộ các loại, với diện tích khoảng từ 54 - 86m2/căn.

Tại dự án trên, các môi giới đang chào bán với giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2, tức là khoảng 700 - 1,4 tỷ đồng cho mỗi căn hộ.

Anh D. - môi giới tại đây cho biết, dự án trên đã tiến hành huy động vốn từ lâu, nhưng do một số vấn đề pháp lý nên từ ngày 1/5/2020 việc bán hàng mới bắt đầu trở lại.

Cũng theo môi giới này, trước khi ký hợp đồng, khách hàng sẽ phải đóng 50 triệu đồng, đây được chủ đầu tư cho là tiền đặt cọc giữ chỗ.

Phương thức thanh toán cũng được chia thành 6 đợt. Cụ thể, đợt 1, tức là sau 5 ngày từ khi đặt cọc, khách hàng sẽ tiếp tục phải đóng 25% giá trị hợp đồng. Đợt 2, dự kiến từ 3 - 5 tháng, khi ký hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ đóng thêm 5% giá trị hợp đồng. Đợt 3, khách hàng sẽ nộp 25% khi chủ đầu tư xây dựng xong phần thô tầng 7 của toà nhà. Đợt 4, khách hàng sẽ nộp 15/% giá trị hợp đồng khi chủ đầu tư tiến hành cất nóc. Đợt 5, khách hàng sẽ tiếp tục đóng 25% khi chủ đầu tư tiến hành bàn giao căn hộ. Đợt cuối cùng, khi được cấp "sổ đỏ" khách hàng sẽ đóng nốt 5% giá trị còn lại của hợp đồng.

Môi giới tên D. cũng khẳng định, dự án đã bán được khoảng 200 căn hộ (khoảng 70 - 80% - PV), ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã nhận tiền đặt cọc của khách hàng từ 50 - 300 triệu đồng/tuỳ từng căn hộ.

Chị H. - một khác hàng tại dự án cho biết, theo cam kết thì chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng trong thời gian tháng 6 - 7/2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa có động thái nào khiến nhiều khách hàng tại dự án này như "ngồi trên đống lửa".

Theo khảo sát thực tế của PV, tại khu vực dự án Thành Công Tower, chủ đầu tư đã cho quây kín bên ngoài. Phía bên trong, dự án được làm đường, phân lô. Khu vực được cho là xây dựng toà chung cư hiện vẫn là bãi cỏ mọc um tùm. Chủ đầu tư chưa tiến hành làm móng và xây dựng

Khách hàng đang ngồi trên đống lửa

Phân tích về việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép dựa trên danh nghĩa là "góp vốn", luật sư Lê Đức Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Nhiều năm qua, hình thức bán nhà ở hình thành trong tương lai, hay còn gọi là “bán nhà trên giấy” hiện đang được nhiều chủ đầu tư áp dụng, nhằm huy động vốn thực hiện dự án thay vì phải vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, theo luật sư Thắng, việc huy động vốn kiểu “mỡ nó rán nó” của các chủ đầu tư mang lại quá nhiều rủi ro cho khách hàng. Đặc biệt, trong các trường hợp chủ đầu tư khéo léo "gài" câu chữ vào trong hợp đồng, khiến nhiều khách hàng đang lâm vào cảnh "cầm dao đằng lưỡi".

"Thị trường bất động sản nhiều năm qua ghi nhận khá nhiều trường hợp chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng nói rằng để xây dự án nhưng lại sử dụng vào mục đích khác, khiến dự án nằm "đắp chiếu" nhiều năm. Thậm chí, không ít những chủ đầu tư ôm số tiền đó "bỏ chạy". Vì thế, trước khi thực hiện giao dịch, khách hàng cần phải biết rõ năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư đến đâu? Có khả năng làm được dự án này hay không hay lại "đem con bỏ chợ"?

Thời gian qua, tình trạng các chủ đầu tư dự án bất động sản vẫn ngang nhiên triển khai bán hàng, huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, bằng cách “lách” dưới dạng các hình thức đặt cọc, đặt chỗ, thoả thuận đặt mua, hợp đồng góp vốn… Việc huy động vốn sớm này cho thấy năng lực tài chính yếu kém của các chủ đầu tư, không có tiền nên phải tìm mọi cách để xoay sở vốn, “mượn” vốn ngắn hạn của khách hàng để tạo dòng tiền trong giai đoạn chưa được phép kinh doanh bán hàng.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú phân tích: Điều 68 Luật Nhà ở 2014 quy định về nguyên tắc huy động vốn cho phát triển nhà ở như sau: “Hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định của Luật này. Các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý”.

Với kinh nghiệm nhiều năm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và khách hàng, tôi khẳng định, nếu là một chủ đầu tư uy tín và có tiềm lực tài chính mạnh thì họ sẽ không bao giờ huy động vốn tới 20 - 30% của khách hàng khi dự án chưa xây dựng. Chỉ có những doanh nghiệp tài chính yếu kém, thậm chí có dấu hiệu bất minh mới làm những điều đó. Trong trường hợp này, khách hàng nên hết sức thận trọng trước khi giao dịch, tránh rơi vào cảnh... tiền mất tật mang", luật sư Thắng đưa ra lời khuyên.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/thai-binh-chu-dau-tu-thanh-cong-tower-co-dau-hieu-huy-dong-von-khung-trai-phep-d77585.html

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Chủ đầu tư Thành Công Tower có dấu hiệu huy động vốn 'khủng' trái phép tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị