Chậm có sổ hồng là ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cư dân
Tòa nhà chung cư CT Vân Canh, do Công ty Cổ phần Bất động sản AZ làm chủ đầu tư, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Hơn 4 năm qua, người dân liên tục đòi chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ với cư dân, nhiều lần hứa hẹn nhưng tới giờ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (hay là sổ hồng) vẫn không biết bao giờ mới có.
“Chậm có sổ hồng là ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cư dân, có nhà không muốn ở đây nữa bán cũng khó vì không có sổ. Quyền lợi của cư dân cũng không được đảm bảo khi có nhu cầu vay ngân hàng cũng không có gì thế chấp” - anh Nguyễn Văn Dũng cư dân CT1 Vân Canh nói.
Cũng như chung cư Vân Canh, sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư là Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 nhưng không có kết, cư dân chung cư Athena Complex Xuân Phương (Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã căng băng rôn khẩu hiệu kín các tòa nhà. Đây cũng là cách làm thường xuyên của nhiều dự án chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội để tạo sức ép với chủ đầu tư chây ì việc làm sổ hồng.
Bà Đỗ Thị Hằng, Trưởng ban Quản trị Chung cư Athena Complex Xuân Phương cho biết: “Cư dân ở đây đã đóng đủ 100% giá trị căn hộ. Dù theo quy định chỉ đóng 95% rồi mới làm sổ nay cư dân đóng đủ hết rồi cũng chẳng thấy sổ đâu”.
Mức xử phạt không đủ sức răn đe
Quy định về việc xử phạt chủ đầu tư chậm làm sổ hồng cho người mua nhà đã có nhưng việc thực hiện chưa nhiều. Chủ đầu tư tiếp tục chây ì và thiệt hại vẫn thuộc về người mua nhà.
Mức phạt cao nhất với việc chậm làm sổ hồng cho cư dân là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với số tiền chủ đầu tư chiếm dụng của người dân thì như muối bỏ biển, hệ quả là người dân cứ “dài cổ” chờ sổ hồng, chủ đầu cứ đủng đỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy định xử phạt đối với việc chậm trả sổ hồng cho người mua nhà là việc làm đúng đắn, cần thiết nhất là với các chủ đầu tư khi đã thu đủ số tiền mua nhà của người dân.
“Khi đã thu đủ số tiền của người dân thì áp lực về tài chính với chủ đầu tư là không còn nên có tình trạng buông thả là thiếu trách nhiệm. Việc xử phạt chủ đầu tư là phải làm” - ông Đính nhấn mạnh.
Theo nhiều ý kiến, việc xử phạt cần phải tăng nặng hơn nữa và cần giao thẩm quyền cho cấp xã phường, quận, huyện ở mức cao hơn. Việc xử lý sớm và minh bạch thông tin trong xử lý vi phạm mới có thể chấn chỉnh tình trạng chây ì trả sổ đỏ cho người dân.
Một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản thì cho rằng, sổ hồng chung cư không chỉ là mỗi sổ hồng. Đây là tổng hợp nhiều câu chuyện. Việc chây ì chủ đầu tư là có để chiếm dụng vốn nhưng không phải phổ biến. Hầu hết các chung cư đang mắc phải là những vi phạm về xây dựng, thiết kế… khiến công trình khó được nghiệm thu từ đó dẫn tới việc chậm làm sổ hồng cho cư dân.
Chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ở các dự án chung cư là việc cần làm đầu tiên, kế đến tăng mức xử phạt chậm làm sổ hồng đủ sức răn đe. Công khai, minh bạch thông tin xử lý vi phạm của chủ đầu tư để người dân giám sát, vị lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho biết./.
Theo Điều 31 tại nghị định số 91/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, việc đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ.
Theo đó, mức thấp nhất là từ 50 ngày đến 6 tháng phạt từ 10 đến 100 triệu đồng; mức vi phạm từ 6 - 9 tháng phạt tối đa 300 triệu đồng; vi phạm từ 9 - 12 tháng phạt tối đa 500 triệu đồng; mức cao nhất là từ 12 tháng trở lên phạt tối đa 1 tỷ đồng.
Trường hợp một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt nhưng tổng số tiền phạt không vượt quá 1 tỷ đồng..
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết, thực tế tại các dự án phát triển nhà ở có sai phạm trong trật tự xây dựng đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người mua nhà. Nhất là việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở (giấy chứng nhận) cho người mua nhà.
Vì vậy, nghị định 91/2019/NĐ-CP được ban hành rất kịp thời, hoàn toàn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất 1 tỷ đồng chưa tạo sức răn đe đối với các chủ đầu tư.
“ Mức phạt 1 tỷ đồng đối với những dự án nhà có mức đầu tư vài nghìn tỷ đồng không phải là lớn. Trong khi chủ đầu tư có thể trục lợi về tài chính rất nhiều nếu như mang dự án mang khối tài sản vài nghìn tỷ đồng đi cầm cố để vay ngân hàng hoặc chậm nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Như vậy, chủ đầu tư đã chiếm dụng được số tiền rất lớn so với số tiền phạt tỷ đồng.
Vì vậy, họ sẽ kéo dài thời gian hoặc chấp nhận nộp phạt để cố tình chây ỳ không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân. Vì vậy, có lẽ với mỗi quy định của pháp luật, chúng ta cần dựa trên những mặt tồn tại để chúng ta hướng tới hạn chế tồn tại đó ”- ông Nguyễn Hồng Bách nhấn mạnh.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ