Cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội Thành phố trong những tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá dầu thô giảm do căng thẳng giữa Nga và Ả Rập Saudi, bất đồng về cách xử lý dịch bệnh giữa Mỹ và Trung quốc dẫn đến việc thực hiện các biện pháp bảo hộ kinh tế giữa các quốc gia cùng với biến đổi khí hậu đã khiến nhu cầu tiêu dùng hàng hoá trên thế giới giảm mạnh.
Nhiều quốc gia đứng trước thách thức phải mở cửa kinh tế trong khi dịch bệnh cơ bản vẫn chưa kiểm soát được. Trong nước, giá cả bị tác động bởi giá vàng, giá dầu của thế giới 2; Chính phủ tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp vừa thúc đẩy khôi phục kinh tế vừa tăng cường chống dịch xâm nhập từ bên ngoài.
Đối với vốn đầu tư xây dựng Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 5 tháng ước thực hiện 124.001 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,9%), đạt 33,5% so với kế hoạch năm. Trong đó: Tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương ước thực hiện 5 tháng đạt 7.283 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
|
Đến hết tháng 4/2020 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã cấp được gần 12.000 giấy phép xây dựng. |
Chia ra: Ngân sách cấp thành phố ước thực hiện 4.981 tỷ đồng, chiếm 68,4%, so với cùng kỳ tăng 17,6%; cấp quận huyện 2.302 tỷ đồng, chiếm 31,6%, so với cùng kỳ tăng 10,7%.
Liên quan đến tình hình cấp phép xây dựng, tính đến hết tháng 4/2020, toàn thành phố đã cấp 11.572 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn, với diện tích sàn 2.516 ngàn m2 . Trong đó cấp cho xây dựng mới 11.066 giấy phép, với diện tích 2.461 ngàn m2 và 506 giấy phép sửa chữa lớn, với diện tích 55 ngàn m2. So với cùng kỳ giảm 24,6% về giấy phép (-3.773 giấy phép) và giảm 27,8% về diện tích (-341 ngàn m2 ).
Tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Thành phố là 1,6 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, bằng 57,7% tổng vốn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, có 450 dự án cấp mới với vốn đăng ký đạt 248,6 triệu USD. Điều chỉnh vốn đầu tư có 80 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 122 triệu USD. Góp vốn, mua cổ phần có 1.923 trường hợp với tổng vốn đạt 1.231,7 triệu USD.
Phân loại các dự án được cấp phép mới từ ngày 01/01/2020 đến 20/5/2020: Theo loại hình đầu tư: hình thức 100% vốn nước ngoài có 413 dự án, vốn đầu tư đạt 239,7 triệu USD; liên doanh 36 dự án, vốn đầu tư đạt 8,3 triệu USD và hợp tác kinh doanh có 1 dự án, vốn đầu tư là 0,6 triệu USD.
Theo ngành hoạt động: thương nghiệp dẫn đầu với 207 dự án, vốn đầu tư là 131,7 triệu USD, chiếm đến 52,9% tổng vốn đầu tư cấp phép mới. Kế đến là hoạt động kinh doanh bất động sản 6 dự án, vốn đầu tư là 44,2 triệu USD, chiếm 17,8%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 93 dự án, vốn đầu tư là 21,4 triệu USD, chiếm 8,6%; thông tin truyền thông 72 dự án, vốn đầu tư là 16,6 triệu USD, chiếm 6,7%; xây dựng 18 dự án, vốn đầu tư là 9,5 triệu USD, chiếm 3,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo là 7 dự án, vốn đầu tư là 9,5 triệu USD; vận tải 21 dự án với vốn là 5,1 triệu USD; dịch vụ lưu trú và ăn uống 10 dự án, vốn đầu tư là 4,9 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư: trên địa bàn Thành phố đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Trong đó, Nhật Bản 44 dự án, vốn đầu tư là 80,5 triệu USD, chiếm 32,4% trong tổng vốn cấp mới; Singapore 70 dự án, vốn đầu tư là 50,8 triệu USD, chiếm 20,4%; Hồng Kông 37 dự án, vốn đầu tư 31,5 triệu USD, chiếm 12,7%; Hàn Quốc 74 dự án, vốn đầu tư 16,4 triệu USD, chiếm 6,6%; Malaysia 8 dự án, vốn đầu tư 10,6 triệu USD; Trung Quốc 31 dự án, vốn đầu tư 8,3 triệu USD, chiếm 3,4%; Đài Loan 24 dự án, vốn đầu tư 6,8 triệu USD, chiếm 2,7%.
Theo Kinh tế Nông thôn