Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030 sẽ hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) nhấn mạnh xây dựng thành phố, đô thị thông minh không chỉ là xu thế tất yếu mà là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và trên thế giới.
Đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều địa phương trên cả nước. Một số địa phương đã triển khai và đạt được kết quả ban đầu, tuy nhiên, tôi cho rằng đây vẫn là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các quốc gia đi trước, đòi hỏi chúng ta liên tục phải tìm hiểu, trao đổi, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cả trong nước và quốc tế để triển khai.
Đại dịch COVID-19 là một ví dụ điển hình, những thành phố từng được coi là thông minh nhất nhưng gần như đã bất lực, không thể bảo vệ được tính mạng và sức khỏe của người dân trước sự lây lan của dịch bệnh. Đại dịch đã cho chúng ta bài học đắt giá nhưng cũng vô cùng quý giá để chúng ta cùng nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hạn chế, tồn tại và định hướng triển khai trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông với sứ mệnh dẫn dắt và định hướng quá trình Chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó bao gồm nội dung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho phát triển thành phố thông minh, đã rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương và một số cơ quan quốc tế để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Bộ đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.
"Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, chúng tôi quan niệm rằng phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị, thành phố đó. Phát triển đô thị thông minh không thể tách rời mà phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương”, Thứ trưởng Dũng khẳng định.
Liên quan tới vấn đề trên, ở góc độ cơ quan được Chính phủ giao xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, trong khuôn khổ APEC SOM 3 năm 2017 tại TP.HCM, với vai trò là Chủ tịch Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC), Bộ KH&CN đã tổ chức diễn đàn về đô thị thông minh, đây là cơ hội để các nền kinh tế cùng nhau chia sẻ, nắm bắt thông tin cập nhật về định hướng phát triển tiêu chuẩn về đô thị thông minh từ các nền kinh tế APEC.
“Bộ KH&CN mà cụ thể là Tổng cục từ 2016 đã triển khai nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Đến nay, hệ thống TCVN phục vụ cho phát triển đô thị thông minh đã được hình thành và đang lấy ý kiến đóng góp các bộ ngành và chuyên gia”, ông Hiệp cho biết.
Trong bối cảnh sắp tới, ông Hiệp nhận định Việt Nam sẽ triển khai đô thị thông minh một cách toàn diện ở các ngành, lĩnh vực. Do đó, Bộ KH&CN sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh sau đó có kế hoạch cụ thể để các bộ ngành xây dựng tiêu chuẩn về các lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ về đô thị thông minh như chiếu sáng thông minh, giao thông thông minh...
"Mặc dù Việt Nam có cơ hội học tập kinh nghiệm từ các nước đã xây dựng tiêu chuẩn cũng như triển khai áp dụng và đánh giá tiêu chuẩn, song đây là lĩnh vực mới, lại áp dụng nhiều thành tựu, sản phẩm công nghệ mới để quản lý thân thiện, hiệu quả hơn nên phải có sự tham gia của khoa học, công nghệ và đội ngũ chuyên gia”, ông Hiệp nói.
Ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết thêm, từ năm 1962 đến 2018, đã có gần 20.000 TCVN (tiêu chuẩn Việt Nam) được công bố, riêng năm 2018 có khoảng trên 800 TCVN.
Theo ông Trường, có nhiều TCVN liên quan đến đô thị thông minh và bền vững trong một số lĩnh vực: môi trường, chất thải, công trình xây dựng, hệ thống quản lý, công nghệ thông tin và truyền thông, nước sinh hoạt, năng lượng, điện, an toàn, giao thông, mã số mã vạch, nhận dạng dữ liệu tự động, trao đổi dữ liệu… Các TCVN khung về đô thị thông minh sẽ được xem là cơ sở nền tảng thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030 của Việt Nam.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, tổng giá trị của thị trường thành phố thông minh trên toàn cầu đạt xấp xỉ 739,78 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến chạm mốc 2036,10 tỷ USD vào cuối năm 2026, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) được dự kiến đạt mức trung bình 18,22%. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950). Hiện cả nước đang có gần 40 địa phương bắt tay vào xây dựng và phê duyệt các đề án, định hướng phát triển đô thị thông minh, trong đó có những cái tên nổi bật như Đà Nẵng, Bình Dương hay Thừa Thiên-Huế... Việt Nam hội tụ nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Xây dựng, hạ tầng giao thông và đô thị của Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây đã được đầu tư khá nhiều nhưng so với các nước trong khu vực vẫn chưa xứng tầm quy mô, vẫn cần thêm nhiều sự đầu tư về mặt tài chính, công nghệ, năng lực từ các bộ ban ngành. Bên cạnh đó, việc học hỏi áp dụng công nghệ trụ cột mới như Trí tuệ nhân tạo (Al), Internet vạn vật (IoT), Xử lý dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ mạng 5G… cũng cần được đẩy mạnh với nền kinh tế đang phát triển và cơ cấu dân số trẻ, lực lượng kỹ sư công nghệ tài năng... |