Hà Nội, Thứ Hai Ngày 25/11/2024

Vụ công trình xây dựng xâm phạm thành Cổ Loa: Chính quyền huyện Đông Anh không thể vô can?

ĐTVN 14:47 19/10/2021

PGS.TS Lê Quý Đức khẳng định, để xảy ra việc các công trình xây dựng xâm phạm thành Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý.

Cổ Loa là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc (nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội). Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt, về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, về việc chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu- Trọng Thuỷ. Dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Giá trị của thành Cổ Loa cực kỳ quan trọng, được khẳng định qua các kết quả khảo cổ: Quy mô lớn, còn di tích hiện lên trên mặt đất từ hai nghìn năm qua là quá vĩ đại. Thế nhưng giá trị đó bị xâm hại hàng ngày, hàng giờ. Theo phản ánh của người dân, hiện nay, thành Cổ Loa đang bị xâm phạm bởi những công trình xây dựng.

Các công trình xây dựng vi phạm trên Bãi Miễu.

Cụ thể, ông Nguyên Văn Xuân, thuộc phòng quản lý thành Cổ Loa cho biết, thì từ năm 2020 đến nay đã có hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm đến thành Cổ Loa. Sau khi phát hiện cũng đã lập biên bản gửi lên chính quyền xã. Tuy nhiên, do thẩm quyền xử lý có hạn nên cũng chỉ biết lập biên bản gửi chính quyền địa phương.

Về công trình xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn Chùa ông Xuân cho hay, đối với công trình này là nằm trong đất của thành. Khi phát hiện việc cải tạo lại thành nhà văn hóa thôn thôn phía ban quản lý thành Cổ Loa cũng đã lập biên bản gửi chính quyền địa phương.

“Chúng tôi quyền hạn cũng chỉ đến thế nên chỉ lập và gửi văn bản lên xã Cổ Loa rồi chờ họ hoàn thiện thủ tục thôi…, Còn các công trình khác thì có công trình bị cưỡng chế, có công trình không…”, ông Xuân cho biết.

Ngoài ra là sự việc xảy ra tại khu Bãi Miễu (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh). Cũng phải nói thêm, khu vực bãi Miễu là khu khảo cổ học đã tổ chức khảo cổ từ nhiều năm trước và được xác định là khu vực sinh sống của người Việt cổ, cần được bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật di sản.

Theo kết luận số 25 của UBND huyện Đông Anh về nội dung tố cáo ông Nguyễn Kim Nhật, Chủ tịch UBND xã Cổ Loa khẳng định có vi phạm trật tự xây dựng tại xã này.

Cụ thể, khu vực Bãi Miễu có nhiều công trình vi phạm, xây dựng trên đất nông nghiệp như ông Đào Văn Thắng, ông Bùi Minh Đề, ông Nguyễn Văn Lợi, ông Đào Thị Thu, ông Nguyễn Văn Bẩy, ông Đào Văn Bình, bà Đặng Thị Phương.

Công trình xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn Chùa nằm trong đất của thành.

Ngày 15/5/2018, UBND xã Cổ Loa (đại diện là ông Nguyễn Kim Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa) đã làm việc với ông Đào Văn Thắng liên quan đến việc đổ thải, xây bờ bao trên diện tích nông nghiệp. Cùng ngày, UBND xã Cổ Loa đã lập biên bản vi phạm lĩnh vực đất đai đối với ông Đào Văn Thắng đối với hành vi phạm xây dựng bó bờ ruộng trên diện tích đất được giao theo nghị định 64/CP của hộ gia đình ông Đào Văn Vây (Bố đẻ ông Thắng). Ngày 17/5/2018, UBND xã Cổ Loa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng.

Sau đó, UBND xã Cổ Loa đã xử lý vi phạm đối với các hộ Đặng Thị Phương, Đào Văn Bình, Nguyễn Văn Bẩy, Đào Thị Thu, Bùi Minh Đề, Nguyễn Văn Lợi.

Ngoài ra, theo bà Hương, Nhà văn hóa xóm Chùa là một ngôi nhà ba gian có diện tích khoảng 400m2. Để có được công trình Nhà văn hóa xóm chùa đồ sộ, rộng hàng nghìn mét vuông (khoảng 1000m2) như bây giờ, ông Nhật đã tự ý thu hồi đất nông nghiệp, đổi đất của hai hộ gia đình ông Trường và ông Thành sang vị trí khác để mở rộng diện tích đất xây Nhà văn hóa.

“Mặt khác, Thường trực hội đồng nhân dân xã chỉ phê duyệt dự án Cải tạo, nâng cấp Nhà văn hóa xóm Chùa chứ không cho phép xây mới hoàn toàn như ông Nhật đã thực hiện”, đơn của bà Hương khẳng định.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm và khiến người dân bức xúc chính là việc đến nay, việc vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra mà không bị xử lý. Trách nhiệm của UBND xã Cổ Loa trong sự việc này đến đâu?

Tuy nhiên qua nhiều năm, đến nay, các công trình này vẫn đang “ngang nhiên” tồn tại, thách thức pháp luật. Trong khi đó, UBND xã Cổ Loa thì lúng túng trong việc xử lý. Nhiều người cho rằng, UBND huyện Đông Anh, UBND xã Cổ Loa không rốt ráo, thờ ơ trong việc xử lý vi phạm.

Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự việc công trình xây dựng xâm phạm Thành Cổ Loa, trách nhiệm đầu tiên phải là người vi phạm. Rõ ràng, Thành Cổ Loa là di tích được xếp hạng, là nơi tôn nghiêm, lưu dấu tích lịch sử. Việc họ xây dựng xâm phạm Thành vừa vi phạm cả về pháp luật lẫn vi phạm về mặt đạo đức. Việc này cần phải được xử lý nghiêm”.

Theo PGS.TS Lê Quý Đức, ngoài người vi phạm, trách nhiệm quan trọng thuộc về các cơ quan chức năng. Đó là UBND xã Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh. Họ đã làm gì, ở đâu khi vi phạm xảy ra trên địa bàn mình quản lý?

PGS.TS Lê Quý Đức.

“Rõ ràng công tác quản lý có vấn đề. Tại sao lại để xảy ra vi phạm ở di tích lịch sử quốc gia? Tại sao họ không ngăn chặn? Và tại sao sự việc xảy ra nhiều năm rồi, UBND huyện cũng đã có kết luận có vi phạm mà không xử lý dứt điểm”, PGS.TS Lê Quý Đức nói.

Cũng theo vị PGS này, cần xem xét năng lực của người đứng đầu UBND xã Cổ Loa và huyện Đông Anh.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết khu tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết về vua An Dương Vương định đô, xây dựng nhà nước Âu Lạc tự chủ. Trải qua hơn 2000 năm, Loa Thành chỉ còn lại những dấu tích nhưng là điểm tham quan, du lịch độc đáo của Thủ đô Hà Nội. Vì thế, khu di tích này không chỉ người dân Hà Nội mà còn giới khoa học, văn hóa cả nước quan tâm. Việc Thành Cổ Loa bị xâm phạm một cách thô bạo là điều không thể nào chấp nhận được.

Không phải lần đầu tiên Thành Cổ Loa bị xâm hại

Trước đó, vào năm 2018, Thành Cổ Loa bị xâm hại nhiều năm với mức độ đáng báo động. Nhiều đoạn thành Trung gần khu đền thờ An Dương Vương (thôn Lan Trì) trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt và rác thải xây dựng. Nhiều người dân thản nhiên lấp hào nước của Cổ Loa để biến thành ruộng; đào ao, đầm để canh tác. Khu vực thành ngoại hiện đang tập kết rất nhiều vật liệu xây dựng để chuẩn bị cho các công trình dân sinh.

“Dân lấn chiếm, chính quyền thôn cũng lấn - như nhà văn hoá thôn Lan Trì xây dựng trên đất di tích. Đang có cuộc vận động bình bầu Hà Nội là điểm tham quan hấp dẫn của thế giới, ấy vậy mà chúng ta có di tích hai ngàn năm không bảo vệ nổi”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.

Minh Vân/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo

Link gốc : ":"https://sohuutritue.net.vn/vu-cong-trinh-xay-dung-xam-pham-thanh-co-loa-chinh-quyen-huyen-dong-anh-khong-the-vo-can-d114636.html

Bạn đang đọc bài viết Vụ công trình xây dựng xâm phạm thành Cổ Loa: Chính quyền huyện Đông Anh không thể vô can? tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước