Gần 100 nhân sự "phân thân" để làm việc hai nơi?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh (có địa chỉ: số 8 đường Châu Văn Liêm, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) thuộc Công ty TNHH Bệnh viện ĐKTN An Phúc Sinh Trường Minh. Bệnh viện được quảng cáo đạt tiêu chuẩn 5 sao, xây dựng trên diện tích 2,5 ha với tổng vốn đầu tư hơn 2000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, nhiều tài liệu cho thấy, bệnh viện này có dấu hiệu thiếu trung thực khi kê khai nhiều nhân sự làm việc toàn thời gian (cơ hữu) mà trước đó đã được đăng ký với một bệnh viện khác.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 7/5/2021, Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh được Bộ Y tế thẩm định để cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, tại buổi thẩm định, bệnh viện này còn một số tồn tại về nhân sự chưa đủ điều kiện được bố trí tại một số khoa, phòng của bệnh viện nên đoàn thẩm định của Bộ Y tế đã có ý kiến yêu cầu bổ sung.
Sau đó, Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh đã có báo cáo giải trình kèm theo danh sách nhân sự mới gửi Sở Y tế Hà Nội. Trong đó, danh sách các nhân sự đã đủ điều kiện tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện bao gồm: 110 Bác sĩ, 167 Điều dưỡng, 18 Hộ sinh viên, 25 Kỹ thuật viên và 12 Dược sĩ.
Dựa trên báo cáo giải trình này, ngày 31/5/2021, Sở Y tế Hà Nội có Công văn số 8253/SYT-QLHNYDTN gửi báo cáo Bộ Y tế danh sách các nhân lực làm việc tại các khoa, phòng chức năng của Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh. Đến ngày 11/6/2021, Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động số 308/BYT-GPHĐ và Giám đốc Phụ trách chuyên môn là PGS. TS. BS Lê Văn Thạch.
Tuy nhiên, theo những tài liệu mà phóng viên thu thập được, hiện nay, trong danh sách nhân sự đang làm việc toàn thời gian (cơ hữu) cho Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh có gần 100 người là bác sĩ, điều dưỡng đã được đăng ký làm việc ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác. Cụ thể, các nhân sự này đã đăng ký khám bệnh, chữa bệnh toàn thời gian cho Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Ngọc (địa chỉ: 55 Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Trong khi đó, theo văn bản của Công ty TNHH Bệnh viện ĐKTN An Phúc Sinh Trường Minh gửi lên Sở Y tế Hà Nội thì các nhân sự trên cũng được đăng ký làm việc từ 7h đến 17h hàng ngày và từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần cho Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh. Như vậy, có thể thấy gần 100 người là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang "phân thân" để làm việc 2 nơi là Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh.
Bệnh viện có đủ điều kiện?
Ngoài vấn đề hàng chục nhân sự "phân thân" để làm việc giữa 2 cơ sở khám chữa bệnh, những tài liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy, một số Khoa của Bệnh viện Hồng Ngọc - Phúc Trường Minh chưa đủ điều kiện mà Nghị định 109/2016/NĐ-CP đã quy định.
Theo điểm a khoản 5 Điều 23 của Nghị định trên, thì số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa. Tuy nhiên, tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh có 7 nhân sự thì có 4 người đăng ký khám chữa bệnh toàn thời gian tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Cơ sở Yên Ninh.
Tương tự, tại Khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu/Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh có 9 nhân sự thì 5 người đang đăng ký khám chữa bệnh toàn thời gian tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Cơ sở Yên Ninh.
Giải thích về các nhân sự trùng nhau, đại diện Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh cho biết hiện nay "Bệnh viện đang làm thủ tục chuyển đổi".
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Căn cứ Khoản 5 Điều 11, Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế thì nhân sự của bệnh viện phải đáp ứng tiêu chuẩn sau: Số lượng người hành nghề làm việc toàn thời gian (cơ hữu) trong từng khoa phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số người hành nghề trong khoa.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 7 điều 12, Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì: Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Khoản 4, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009 cũng nghiêm cấm hành vi thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động. Giả sử tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Khoa Y học cổ truyền – Vật lý trị liệu/ Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh có sự việc như báo nêu (làm việc toàn thời gian cả bên Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc và Bệnh viện Hồng Ngọc – Phúc Trường Minh) thì việc này đã trái với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định thu hồi và đình chỉ giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo Khoản 3 của điều này, trong trường hợp phát hiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sai sót chuyên môn hoặc không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ sai sót, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo Khoản 1, Điều 43, một trong những điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là phải có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn. Như vậy, nếu đúng như nội dung bài viết phản ánh thì cơ quan quản lý cần xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật.