Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Đông Anh: Hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm thành Cổ Loa

ĐTVN 18:28 17/08/2021

Ông Nguyên Văn Xuân (Phòng quản lý thành Cổ Loa) cho biết từ năm 2020 đến nay đã có hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm đến thành Cổ Loa.

Cổ Loa là toà thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam được xây dựng từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm Kinh đô nước Âu Lạc (nay thuộc huyện Đông Anh - Hà Nội). Thành Cổ Loa gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc Việt, về việc Vua An Dương Vương định đô xây thành, về việc chiếc nỏ thần Kim Quy bắn một phát hạ hàng trăm tên giặc, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu- Trọng Thuỷ. Dấu vết của ngôi thành cổ này cùng với những nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá đã đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Năm 1962 Cổ Loa được công nhận Di tích quốc gia, 2012 mới trở thành Di tích quốc gia đặc biệt có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ.

Là một di tích có hàng nghìn năm tuổi nhưng đến nay thành Cổ Loa vẫn đang bị “chảy máu” bởi nhận thức của người dân cộng vào đó chính quyền địa phương không sát sao trong công tác quản lý.

Nhà văn hóa thôn Chùa nằm trong đất của thành Cổ Loa cũng đã được xây khang trang.

Theo người dân ở đây phản ánh, hiện trên địa bàn xã Cổ Loa có rất nhiều công trình xây dựng, lấn chiếm thành. Cụ thể, theo bà Vũ Thị. H. người dân ở xã Cổ Loa cho biết: “Tự ý xây dựng nhà kiên cố trái phép trên đất thành Cổ Loa khu vực xóm chợ Cổ Loa; để cho các hộ gia đình: ông Thắng (vợ là Dung), bà Xuân (chồng là Đề), ông Đình (vợ và Lợi), bà Thu (chồng là Nam), ông Bẩy (vợ là Hảo), bà Nhinh (chồng là Bình), ông Nhân (vợ là Phương) xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất nông nghiệp tại khu Bãi Miễu, thôn Đình Tràng….”.

Cũng theo bà H. hiện xung quanh thành và những phần đất của thành cũng đang bị lấn chiếm rất nhiều. “Theo tôi vấn đề này không chỉ do mình người dân và chính quyền nơi đây cũng đang có dấu hiệu bao che, cho phép người dân mới dám làm….” Bà H. cho hay.

Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyên Văn Xuân, thuộc phòng quản lý thành Cổ Loa cho biết, thì từ năm 2020 đến nay đã có hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm đến thành Cổ Loa. Sau khi phát hiện cũng đã lập biên bản gửi lên chính quyền xã. Tuy nhiên, do thẩm quyền xử lý có hạn nên cũng chỉ biết lập biên bản gửi chính quyền địa phương.

Nhiều công trình được xây dựng nhà kiên cố nằm trong đất của thành và được người dân cho thuê lại.

Về công trình xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn Chùa ông Xuân cho hay, đối với công trình này là nằm trong đất của thành. Khi phát hiện việc cải tạo lại thành nhà văn hóa thôn thôn phía ban quản lý thành Cổ Loa cũng đã lập biên bản gửi chính quyền địa phương. “ Chúng tôi quyền hạn cũng chỉ đến thế nên chỉ lập và gửi văn bản lên xã Cổ Loa rồi chờ họ hoàn thiện thủ tục thôi…, Còn các công trình khác thì có công trình bị cưỡng chế, có công trình không…”, ông Xuân cho biết.

Ngoài ra, ông Xuân còn chia sẽ, đối với tình trạng này thì hiện này chúng tôi mong rằng cơ quan có thầm quyền cần vào cuộc hơn nữa để xác định nguồn gốc đất. Có phương án cho những hộ đang sinh sống trên đất của thành mà đã có sổ đỏ bây lâu nay.

Được biết, vào năm 2016 Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trong quy chế này Thành Cổ Loa cũng nằm trong danh sách được bảo vệ một cách đặc biệt.

Theo quy chế, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã: Tổ chức quản lý, giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tiếp nhận khai báo về di tích, đề xuất việc xếp hạng di tích lên cơ quan có thẩm quyền. Tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến di tích theo thẩm quyền; ngăn ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện khi phát hiện di tích xuống cấp hoặc bị xâm hại.

Tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Quyết định thành lập Ban quản lý di tích cấp xã để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 4 Điều này. Phối hợp các cấp trong công tác quản lý bảo vệ di tích và thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan tới di tích.

Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

“1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2.Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử – văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Điều 178 năm 2015 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cũng quy định về những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…

Như vậy, Bộ luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Do đó, đã đến lúc phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần xem xét xử lý nghiêm minh.

Thiết nghỉ, tại sao đến nay thành Cổ Loa bị xâm hại như vậy không chỉ trách nhiệm của BQL thành mà còn trách nhiệm lớn của chủ tịch và cán bộ địa chính xã Cổ Loa.

Nguyễn Như/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dong-anh-hon-20-cong-trinh-xay-dung-xam-pham-thanh-co-loa-d107780.html

Bạn đang đọc bài viết Đông Anh: Hơn 20 công trình xây dựng xâm phạm thành Cổ Loa tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Mỗi bức hình được chụp từ "Ban công EuroLand - Mùa Covid" là cả một khoảng trời riêng của mỗi người, gói gọn trong đó là những khoảnh khắc đẹp về làng Việt Kiều Châu Âu xinh đẹp.