Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Cảnh báo: Mua nhà ở xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu tin tưởng môi giới

VIETQ 09:52 11/08/2021

Trước thực trạng xuất hiện nhiều đơn vị môi giới mạo danh chủ đầu tư rao bán nhà ở xã hội Bộ Xây dựng đã phải đưa ra cảnh báo người dân nên thận trọng.

Xuất hiện nhiều đối tượng môi giới giả mạo chủ đầu tư rao bán nhà ở xã hội

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng cho biết, hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70 m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2.

Cụ thể, tại TP. Hà Nội một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5-16 triệu đồng/m2 như: Nhà ở xã hội ở IEC Thanh Trì (1.167 căn hộ, có giá bán 15,8 triệu đồng/m2); Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (3.040 căn hộ, có giá bán 16 triệu đồng/m2); Dự án nhà ở xã hội tại CT4 Kim Chung, Đông Anh (484 căn hộ, có giá bán 13,5 triệu đồng/m2).

Ghi nhận trước đó, dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do Liên danh Him Lam Thủ đô và BIC Việt Nam làm chủ đầu tư cách trung tâm quận Hoàn Kiếm khoảng 4km. Dù có giá bán chưa chính thức, nhưng theo tính toán, mức giá căn hộ ở đây sẽ chỉ vào khoảng 16 - 18 triệu đồng/m2, rẻ một nửa so với mức giá trung bình của các chung cư thương mại cùng vị trí.

Dù dự án mới đang trong quá trình triển khai và chưa có các thông tin như: bao giờ mở bán, mức giá bán ra như thế nào. Nhưng theo ghi nhận, xung quanh khu vực triển khai dự án này, số điện thoại của các môi giới được viết tràn lan trên những rào tôn nhằm rao bán mua căn hộ nhà ở xã hội.

Các môi giới cho biết, hiện tại đã có thể đặt cọc mua các căn hộ ở đây, nhưng để chắc chắn giành được suất mua nhà ở xã hội, người mua sẽ phải chi thêm vài trăm triệu đồng.

Trước những thông tin này, đại diện phía chủ đầu tư khẳng định, dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và chưa thu bất cứ khoản phí nào của khách hàng. Những thông tin trên mạng và các trang web quảng bá bán hàng cho dự án này đều là giả mạo.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh: một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2 như: Dự án nhà ở xã hội An Phú Tây (311 căn hộ, có giá bán 13 triệu đồng/m2); Dự án Phú Thọ DMC đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10(1.088 căn hộ, có giá bán 25 triệu đồng/m2)...

Bộ Xây dựng cảnh báo người dân tránh tin tưởng vào đối tượng môi giới

Cũng trong nội dung thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2021, Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương cần chú ý nội dung báo chí phản ánh tại một số tỉnh/thành phố như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… xuất hiện hiện tượng trên các trang thông tin về bất động sản, rất nhiều đơn vị môi giới bất động sản đã mạo danh chủ đầu tư rao bán, tìm đủ mọi cách lừa người mua đặt cọc nhà ở xã hội.

Thực tế, báo chí thời gian qua cũng từng phản ánh hiện tượng khách phải đặt cọc mua nhà ở xã hội với số tiền chênh lệch lên tới hàng trăm triệu đồng. Các nhân viên môi giới dự án thường chèo kéo người mua bằng cách khẳng định phải thông qua họ thì khách hàng mới đặt cọc được suất mua và được trợ giúp làm hồ sơ đảm bảo trúng 100% mà không phải trải qua các bước bốc thăm và xét duyệt căn hộ theo quy định.

Thậm chí, để dụ khách, đội ngũ nhân viên môi giới còn đưa ra thông tin hấp dẫn là khách hàng có thể chọn được căn hộ ưng ý. Đổi lại, khách sẽ phải trả một khoản gọi là chi phí “bôi trơn”, hay chi phí “ngoại giao”. Tùy từng sàn giao dịch mà chi phí này khác nhau, dao động từ khoảng 30-150 triệu đồng.

Theo các môi giới, ngoài giá của chủ đầu tư trình sở duyệt khoảng 17 - 17,5 triệu đồng/m2, thì có 2 gói để khách hàng lựa chọn. Gói thứ nhất, khách không chọn căn hộ, chỉ chọn căn 69,8m2 thì phải đóng thêm 140 triệu đồng. Còn nếu khách muốn chọn số căn, tầng thì phải đóng tiền chênh từ 180 - 250 triệu đồng/căn. Riêng đối với căn to, lô góc thì khách đóng chênh 330 triệu đồng.

Theo xác nhận của chính quyền địa phương, dự án NHS Trung Văn chưa được cấp giấy phép xây dựng. Thế nhưng, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều công ty đã rầm rộ quảng cáo, rao bán căn hộ và được cho là đã thu tiền cọc của khách hàng cho các suất "ngoại giao".

Nguyên nhân các dự án nhà ở xã hội dù chưa mở bán nhưng vẫn xuất hiện giá chênh bởi nhu cầu lớn nhưng nguồn cung ít. Thậm chí, trong quý II/2021, Hà Nội không có dự án nhà ở xã hội mới nào được cấp.

Thực tế, theo Bộ Xây dựng, thị trường đang ngày càng khan hiếm các căn hộ chung cư thương mại có giá dưới 25 triệu đồng/m2, bởi vậy, giới đầu cơ thường hay "săn đón" các dự án nhà ở xã hội chuẩn bị ra hàng thời điểm này.

Khác với nhà ở thương mại được tự do mua bán, người mua nhà ở xã hội phải thuộc đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Ngoài ra, người mua còn phải bốc thăm, chấm điểm, nếu số lượng người đăng ký nhiều hơn số căn hộ bán ra. Việc rao bán suất mua là vi phạm pháp luật. Vì vậy, khi mua nhà ở xã hội người mua có thể tìm kiếm thông tin về các dự án nhà ở xã hội trên website của Sở và các chủ đầu tư, tránh tin theo các trang tin mạo danh, chứa đựng nhiều rủi ro.

Bạn đang đọc bài viết Cảnh báo: Mua nhà ở xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu tin tưởng môi giới tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Mỗi bức hình được chụp từ "Ban công EuroLand - Mùa Covid" là cả một khoảng trời riêng của mỗi người, gói gọn trong đó là những khoảnh khắc đẹp về làng Việt Kiều Châu Âu xinh đẹp.