Vaccine phòng COVID-19 Nano Covax được Học viện Quân y phối hợp với Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vaccine này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020 và giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021.
Sau khi thử nghiệm giai đoạn 1, giai đoạn 2, vaccine Nano Covax được đánh giá khá an toàn nên tiêu chí tuyển tình nguyện viên sẽ nới lỏng hơn 2 giai đoạn trước đó. Tình nguyện viên tham gia giai đoạn 3 từ 18-75 tuổi, chỉ cần kiểm tra công thức máu và kiểm tra kháng thể với virus SARS-CoV-2. Những người đã phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 hoặc có sẵn kháng thể sẽ bị loại khỏi nhóm đối tượng thử nghiệm.
Theo Trung tá, PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng), giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vaccine NanoCovax được thực hiện trên cỡ mẫu 13.000 người với nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng (với tỉ lệ "6 người tiêm vaccine-1 người tiêm giả dược" theo thiết kế được Bộ Y tế phê duyệt).
Giai đoạn 3 được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước. Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương. Phía Nam do Viện Pasteur TPHCM làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương.
"Những người tiêm vaccine được theo dõi qua phần mềm hồ sơ nghiên cứu sức khỏe điện tử. Hằng ngày, các tình nguyện viên tự cập nhật thông tin sức khỏe với khoảng 20 thông tin khác nhau liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Sốt, đau sưng tại vị trí tiêm, đau mỏi cơ, đau toàn thân...
Các thời điểm quan trọng sau khi tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax là 28 ngày sau khi tiêm mũi 1, các tình nguyện viên đến khám và tiêm mũi thứ 2. Tiếp đó đến 14 ngày sau khi tiêm mũi 2 (tương đương ngày thứ 42 sau khi tiêm mũi 1), tình nguyện viên được lấy máu để đánh giá tính sinh miễn dịch, khả năng trung hòa virus và một số xét nghiệm khác", PGS.TS Chử Văn Mến cho biết.
Kỹ thuật viên tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên - Ảnh: VGP |
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm vaccine Nano Covax giai đoạn 3, đơn vị tiến hành phân chia các tổ, tổ chức tập huấn công tác thu thập thông tin người tình nguyện, bố trí khám tuyển, phân luồng đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch; bắt đầu tổ chức khám sàng lọc và thu tuyển người tình nguyện.
"Không chỉ đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch, giai đoạn 3 thử nghiệm vaccine Nano Covax nhằm mục đích đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vaccine đối với cộng đồng - Đây là yếu tố hai giai đoạn trước chưa được thực hiện", Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y dược học Quân sự cho biết.
Dự kiến, đợt đầu của giai đoạn 3 do Học viện Quân y và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cùng triển khai tiêm thử nghiệm với 1.000 tình nguyện viên, mỗi đơn vị thực hiện với 500 người. Trong quá trình đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn cho biết, đơn vị tiếp tục tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 tiếp theo trên cỡ mẫu 12.000 người.
"Dự kiến, đến khoảng giữa tháng 9, sau khoảng ngày 42 của mũi tiêm thứ hai của 1.000 ca tiêm thử nghiệm đầu tiên, chúng tôi sẽ tổng hợp kết quả đánh giá chất lượng để báo cáo. Nếu thuận lợi sẽ trình hồ sơ, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu Y sinh học cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện. Song song với quá trình đó, đơn vị sẽ tiếp tục thử nghiệm vaccine Nano Covax trên 12.000 tình nguyện viên để tiếp tục kiểm soát việc tiêm thử nghiệm, đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn khẳng định.
Trong quá trình thử nghiệm và sau khi có mẫu kháng thể, Học viện Quân y sẽ phối hợp với Công ty Nanogen, các đơn vị thử nghiệm để tiến hành đánh giá khả năng trung hòa virus SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm đối với những chủng virus hiện có để quyết định đường hướng phát triển nghiên cứu vaccine trong giai đoạn tới. Qua trao đổi với nhóm chuyên gia của Công ty Nanogen, ngoài công nghệ protein tái tổ hợp, hiện còn có công nghệ khác để nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đơn vị nghiên cứu cũng như nhiều nhà khoa học Việt Nam đang rất quan tâm đến công nghệ mRNA - đang được thế giới quan tâm trong những năm gần đây. Công nghệ này có ưu điểm phản ứng rất nhanh với dịch bệnh, nhanh chóng có được vaccine. Theo những thông tin hiện có, vaccine sản xuất theo công nghệ này rất an toàn đối với người sử dụng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Sơn cho biết: "Điều quan trọng hơn nữa, chúng tôi mong muốn triển khai nhanh chóng tiêm vaccine rộng rãi trong cộng đồng. Khi đó, virus không thể biến chủng nữa vì đã có miễn dịch trong cộng đồng, khả năng phòng bệnh tốt hơn".
Theo Chất lượng Việt Nam Online