Theo một thống kê vào năm 2018, Việt Nam có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có gần 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Trong số này có tới hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn.
Các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam có quy mô vốn hóa trung bình 186 triệu USD năm 2018. Và, những năm qua, khối kinh tế tư nhân đã khẳng định được vị thế và vai trò với những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Không chỉ phát triển tốt trong nước, nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư và khẳng định được thương hiệu tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Có lẽ, để làm được điều đó, cần phải khẳng định rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách để xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng.
Quay lại những năm 2016, tại Nghị quyết số 10-NQ/TW (NQ 10) năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định, kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (ĐHXHCN). Và NQ 10 cũng nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, khu vực kinh tế này sẽ đóng góp khoảng 55% GDP của nền kinh tế, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Nhiều chuyên gia và ngay cả lãnh đạo các tập đoàn đều phải khẳng định rằng, sự ra đời của NQ 10 đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường ĐHXHCN, tạo sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. NQ 10 đã được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, xuyên suốt từ các ban, ngành Trung ương đến địa phương... đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.
Có thể hiểu một cách cơ bản rằng, NQ10 đã đưa ra việc nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hoá và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi hơn. Dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội ngày càng được phát huy.
Chưa dừng lại ở đó, kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên”, NQ 10 nhấn mạnh đến vai trò, vị thế và cả trách nhiệm của khối doanh nghiệp tư nhân.
Để đáp lại sự “ghi nhận” của Đảng, Nhà nước trong NQ10, năm 2017, một năm sau khi NQ 10 ra đời, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP. Con số này chiếm ưu thế so khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Khối kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Sự tăng trưởng nhanh về tổng số vốn của các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa bao giờ lớn những năm qua và thời điển hiện tại. Khoảng 546 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế chỉ trong vòng 15 năm (2000-2015), trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hằng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn. Tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng tới 114 lần trong giai đoạn 2000-2015. Đây là tốc độ tăng trưởng kỷ lục, nhanh hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đó là lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 10 (khoá XII) sáng 16/5/2019.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, bây giờ, nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp... Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ".
Ngày 15/5/2019, Tổng Bí thư đã phát biểu là: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân”.
Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải Nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?...", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Mới đây, vào giữa tháng 2/2021, tại Cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó còn giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ) từng khẳng định, những thành tích thời gian qua, đặc biệt là 5 năm qua là việc giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức. Chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng. Quản lý Nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân yên tâm đầu tư, kinh doanh, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
NQ10 có ghi phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu chia sẻ rằng, qua 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều NQ thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Từ “Có vị trí quan trọng lâu dài” (trong văn kiện Đại hội Đảng IX) đến “Có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (trong văn kiện Đại hội Đảng X và XI) và “Là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (trong văn kiện Đại hội XII và NQ 10 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII). Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện.
Dẫn chứng những lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc để khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và dành sự kỳ vọng rất lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân.
Sáng 2/9/2017, Vingroup tổ chức lễ khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại xã đảo Đồng Bài (Cát Hải, TP.Hải Phòng). Nhiều người lúc đó hồi hộp chờ đợi chiếc ôtô nhãn hiệu Vinfats “made in Viet Nam”.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 lao động, phát triển kinh tế của Cát Hải. Đồng thời thúc đẩy các ngành liên quan tăng trưởng, nhất là mạng lưới công nghiệp phụ trợ.
Khi đó, tham dự lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó còn giữ vị trí Thủ tướng Chính phủ) coi việc Vingroup mở nhà máy sản xuất ôtô ở huyện khó khăn của Hải Phòng là hành động yêu nước. Người đứng đầu Chính phủ nhận định, VinFast không chỉ đơn thuần là một nhà máy lắp ráp ôtô mà còn có ý nghĩa về thương hiệu quốc gia.
Chỉ một năm sau đó, 2/10/2018, tại thủ đô Paris (Pháp), hai mẫu xe Suv và Sedan của VinFast - thương hiệu ô-tô đầu tiên của Việt Nam - đã ra mắt ấn tượng tại triển lãm ôtô hàng đầu thế giới "Paris Motor Show 2018" thu hút đông đảo quan khách, giới chuyên môn, truyền thông trong nước và quốc tế...
Đây là lần đầu tiên ôtô mang thương hiệu Việt Nam xuất hiện tại triển lãm ôtô quốc tế lớn, đồng hành cùng với các hãng xe nổi tiếng đến từ Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản...
Khi đó, phát biểu tại lễ ra mắt, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup, Chủ tịch VinFast cho biết: "Mục tiêu của Vingroup là xây dựng thương hiệu Việt Nam tầm cỡ quốc tế. Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tới quý vị thành quả đầu tiên trên con đường hiện thực hóa sứ mệnh đó - đưa chiếc ôtô đầu tiên của Việt Nam tham dự triển lãm quốc tế. Chúng tôi rất vui mừng bởi vì kể từ lúc này, Việt Nam đã chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thế giới".
Tại quê nhà, rất nhiều người cảm thấy nghẹn ngào trước câu nói Việt Nam từ này chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thế giới. Chiếc xe Vinfast không đơn thuần là một chiếc ôtô mà nó là niềm tự hào, một sự khẳng định cho con người cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng liên quan đến ngành ôtô, Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) cũng đã và đang chứng tỏ được vị thế của doanh nghiệp Việt trên trường quốc tế. Minh chứng rõ nhất và ngày 16/5/2019, Thaco đã hoàn thiện 2 xe bus mẫu xuất sang Philippines để chạy thử nghiệm và đã được khách hàng Philippines đón nhận, hài lòng về chất lượng sản phẩm. Cuối năm đó, Thaco đã chính thức xuất khẩu 15 xe bus thương hiệu Thaco cho đối tác Autodelta để phục vụ thị trường Philippines và ký kết kế hoạch xuất khẩu sang Philippines trong năm 2020 là 200 xe bus.
Chưa dừng lại ở đó, cũng trong năm 2019, Thaco đã xuất khẩu được 186 xe, bao gồm: 21 xe bus (sang Philippines, Thái Lan, Singapore), 33 xe tải (sang Campuchia), 121 xe du lịch (sang Myanmar, Thái Lan), 11 SMRM (sang Mỹ). Trong tháng 12/2019 đã xuất khẩu 1 xe bus mẫu sang Singapore; ngày 24/12 xuất khẩu 120 xe du lịch KIA Cerato sang Myanmar.
Nhiều chuyên gia ngành công nghiệp ô tô trên thế giới đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung và Thaco nói riêng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực hiện nay.
Ở một lĩnh vực khách, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thay đổi diện mạo của Việt Nam.
-Đó là Tập đoàn Sungroup trong ngành du lịch. Với những dự án tạo dấu ấn lớn cho ngành du lịch Việt Nam như cáp treo Bà Nà, Fansipang, Núi Bà Đen, Cầu Vàng… Sungroup không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới.
-Đó là “vua thép” Hòa Phát với hành trình trở thành một trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Theo đó, từ quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Mới đây, Tập đoàn này cũng đã công khai tham vọng xuất khẩu các sản phẩm ống thép, tôn mạ sang nhiều các quốc gia Châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á.
-Đó là Tập đoàn FPT từ một doanh nghiệp non trẻ, trải qua 2 thập kỷ “mang chuông đi đánh xứ người” hiện đã có 48 văn phòng, chi nhánh tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Việt Nam. Ở châu Á, FPT là một trong 9 công ty đủ điều kiện cung cấp Dịch vụ Phát triển ứng dụng và Chuyển đổi hệ thống CNTT cho Chính phủ Singapore... Tại thị trường Nhật, FPT Japan đã trở thành công ty dịch vụ CNTT Việt Nam lớn nhất ở đất nước mặt trời mọc, tiệm cận Top 50 công ty CNTT tại quốc gia này, gồm các tên tuổi như FujiSoft, DTS, Systena... Và tại Mỹ, FPT Mỹ (FPT America - tên cũ là FPT USA) là đối tác của hãng dịch vụ truyền hình vệ tinh lớn nhất thế giới hay tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu. Đồng thời, đơn vị cũng là đối tác khu vực của GE Digital, FPT Software cũng là Predix Global Partner của GE.
-Đó là Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển với thương vụ thua mua điều “siêu khủng” tại Bờ Biển Ngà vào cuối thàng 7/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới. Theo đó, hợp đồng này trị giá 150.000 tấn điều – tương đương với toàn bộ lượng hàng mà Chính phủ Bờ Biển Ngà đang nắm giữ đã được T&T Group nhập khẩu về Việt Nam. Đây cũng là sản lượng “lớn chưa từng có” từ trước tới nay trong hoạt động xuất nhập khẩu điều tại Bờ Biển Ngà. Không chỉ vậy, T&T Group còn cam kết sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà với công suất chế biến nhà máy lên tới 50.000 tấn điều thô mỗi năm.-Đó còn là TH Trumilk với những dự án nghìn tỷ làm “sống lại vùng đất chết” và cuộc cách mạng sữa sạch để đưa sữa Việt lên bản đồ sữa thế giới.
-Đó là Vinamilk với khát vọng và tầm nhìn đưa sữa Việt đến với 5 châu của nữ doanh nhân Mai Kiều Liên.
Dẫn ra những ví dụ trên để thấy sự khát vọng cũng như tầm nhìn của các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân Việt. Có lẽ, đích đến của họ không đơn thuần chỉ là câu chuyện lời - lỗ mà nó còn là danh dự, uy tín của một doanh nghiệp Việt trên chốn thương trường toàn cầu đầy sóng lớn và “cá mập”.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trưởng thành, có thể làm được những dự án lớn hơn nữa, và trở thành những doanh nghiệp toàn cầu.
"Hãy giao trực tiếp những dự án lớn cho chúng tôi. Đội ngũ Doanh nhân Tư nhân Việt Nam có thể làm được nhiều hơn thế nữa, chúng tôi cũng có thể đảm trách được những dự án lớn được ký kết với nước ngoài. Hãy tin tưởng vào đội ngũ Doanh nhân Việt Nam ngày hôm nay. Chúng tôi đã thực sự trưởng thành và đang ngày càng lớn mạnh" PGS.TS Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.
Trao đổi với Tạp chí Doanh nhân Việt Nam, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Doanh nghiệp tư nhân đang thể hiện khát vọng vươn ra thế giới của người Việt. Chúng ta có thể kể đến đó là những FPT, Vingroup, Hòa Phát, T&T, Thaco… Tôi không quá lời khi nói rằng họ chính là một trong những yếu tố nâng vị thế, uy tín của Việt Nam trên thế giới”.
Vị ĐBQH khóa XIII cũng cho rằng, trong những năm qua, với sự tạo điều kiện rất lớn từ Chính phủ, Việt Nam đã xuất hiện những tỷ phú nổi tiếng thế giới như doanh nhân Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương, ông Đỗ Quang Hiển…
“Sự nghiệp của họ có lẽ rất đáng để chúng ta khâm phục. Đó là tấm gương cho những doanh nhân trẻ, những người đã, đang khởi nghiệp nhìn vào đó rồi noi theo”, TS. Trần Khắc Tâm nói.
Chung quan điểm, trả lời trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh chia sẻ: “Vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế tồn tại dưới các hình thức như: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá thể.
Nghị quyết số 10 - NQ/TW đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần quan trọng trong sự phát triển năng động của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, mạnh dạn đột phá và đi đầu trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới.
“Do đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó”, chuyên gia Vũ Đình Ánh ni.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng chia sẻ, cứ mỗi lần nền kinh tế khủng hoảng, khó khăn, cần xoay chuyển tình thế, doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, sẵn sàng gánh vác những trọng trách và tạo sức mạnh để lật ngược thế cờ.
Sở dĩ, ông Thiên đưa ra nhận định này khi soi chiếu vào các đợt khủng hoảng kinh tế, những năm 1986, 1999-2000, 2007-2008.
Cả ở giai đoạn hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Thiên tiếp tục nhìn thấy “nét vẽ lớn trong nền kinh tế” do khu vực tư nhân thể hiện, từ việc tham gia vào phòng chống dịch bệnh, đến đi đầu trong chuyển đổi số, trong thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất, trong phát triển công nghệ, hạ tầng, đô thị... và còn nhiều hơn thế.
“Lâu nay, doanh nghiệp tư nhân vẫn tự xác định vai trò của mình, dù cơ chế kém thuận lợi. Nhưng hiện tại, Chính phủ cần có tư duy khác. Nền kinh tế đang có một lực lượng doanh nghiệp Việt thực sự mạnh, những tập đoàn tư nhân lớn. Đây sẽ là trục dẫn thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam kết nối với thị trường thế giới’, ông Thiên khuyến nghị.
Số liệu của Bộ KH&ĐT ghi nhận, đến năm 2020, trên thị trường chứng khoán có 13 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn 5 năm vừa qua đạt khoảng 4-5%, các doanh nghiệp này đang tạo nhiều việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho biết tính đến năm 2020, khoảng 30 mã chứng khoán có vốn hóa trên 1 tỉ USD, trong đó có 13 doanh nghiệp tư nhân.
Lời khẳng định của TS. Trần Đình Thiên không phải chỉ là lời nói mang chính chất cảm tính. Bởi theo thống kê, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện sự chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19.
Đó là Vingoup với tổng số tiền, vật chất ủng hộ trị giá lên đến hơn 2.200 tỷ đồng; Sungroup hơn 800 tỷ đồng; Thaco 731 tỷ đồng; T&T 240 tỷ đồng… Đó chỉ là những điểm nhấn trong hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân luôn sẵn sàng đưa vai ra để san sẻ cùng Chính phủ gánh nặng chống dịch.
“Doanh nghiệp tư nhân là vậy, họ là những người năng động, không ngại vấp ngã và rất linh hoạt để ứng phó với thời cuộc. Họ sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chống dịch với đất nước dù trong thời điểm dịch Covid-19 đang vô cùng khó khăn”, ĐBQH khóa XIII Trần Khắc Tâm nói.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Tổng Giám đốc Hàng không Vietjet, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mong muốn hãy đặt tin tưởng ở doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia gánh vác cùng Chính phủ các chương trình lớn, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.
Bà Thảo đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch, giảm gánh nặng cho ngân sách Chính phủ. Doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vaccine, xét nghiệm, các chi phí y tế.Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là thời điểm “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, "Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo". “Tôi tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay không chỉ vượt qua được dịch Covid-19 mà còn tạo dựng được thương hiệu riêng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước với những giá trị đẹp đẽ nhất của người kinh doanh là Tâm - Tài - Trí - Tín” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: “Chính phủ và cá nhân tôi rất cảm động và cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ Nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét văn hóa doanh nhân rất đẹp, rất nhân văn, thiết thực và hiệu quả. Và tôi mong tinh thần ấy, nhiệt huyết ấy sẽ được các anh chị em doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để góp phần Chiến thắng đại dịch COVID-19, để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp và mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân”.
Bài viết: Văn Chương
Thiết kế: Hải An