Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc bất chấp đại dịch bùng phát, chỉ số VN-Index tăng gần 32% sau 8 tháng giao dịch đầu năm.
Theo đó, thanh khoản cũng liên tục ghi nhận mức cao mới với giá trị giao dịch trung bình 8 tháng đầu năm 2021 đạt 23.790 tỷ đồng/phiên, gấp 3,2 lần so với bình quân năm 2020.
Trước sự sôi động của thị trường, dòng tiền lớn đổ vào kênh huy động vốn này đã giúp các công ty chứng khoán "sống khoẻ" trong đại dịch. Điều này được thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong nửa đầu năm khi liên tục báo lãi đậm, một số đơn vị nâng chỉ tiêu kinh doanh so với kế hoạch đặt ra trước đó.
Dẫn đầu là Chứng khoán SSI (Mã: SSI) khi đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau 8 tháng, ước tính lợi nhuận trước thuế (công ty mẹ) 8 tháng đạt 1.872 tỷ đồng, vượt kế hoạch 1.870 tỷ đồng cả năm đặt ra trước đó. Như vậy dù đặt kế hoạch khá cao, song Công ty đã sớm vượt chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất đã đề ra.
Cũng hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm sớm, trong 7 tháng đầu năm, Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) ghi nhận hơn 2.200 tỷ đồng doanh thu hoạt động, hoàn thành 86% kế hoạch năm. Sau khi khấu trừ các chi phí, VNDirect báo lãi ròng 1.056 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, con số này đã vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Với kết quả kinh doanh khả quan, ban lãnh đạo VNDirect quyết định nâng kế hoạch kinh doanh năm nay. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu hoạt động năm sẽ được đề lên mốc hơn 3.950 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên mốc 1.600 tỷ đồng, tăng lần lượt 55% và 82% so với kế hoạch ban đầu.
Nếu hoàn thành, lợi nhuận cả năm nay của VNDirect sẽ cao gấp 2,3 lần so với năm ngoái và đây là năm đầu tiên công ty chứng khoán này báo lãi nghìn tỷ.
-- |
Không chỉ các công ty lớn khởi sắc, Chứng khoán SmartInvest (Mã: AAS) mới đây cũng công bố kết quả kinh doanh 8 tháng với doanh thu 467 tỷ đồng và lãi trước thuế hơn 100 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh đề ra, Công ty đã thực hiện được 85% chỉ tiêu doanh thu và gấp 22 lần chỉ tiêu lợi nhuận.
Theo đà tăng trưởng này, ban lãnh đạo công ty chứng khoán này cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên mức 200 tỷ đồng, gấp 42 lần chỉ tiêu đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên trước đó là hơn 4,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, CTCP Chứng khoán BIDV (Mã: BSC) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2021 đạt 216 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch. CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (Mã: SHS) báo lãi trước thuế 6 tháng đạt 722 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm.
Thực tế, kênh chứng khoán đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Theo số liệu từ trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính riêng trong tháng 8/2021, số lượng nhà đầu tư trong nước mở mới đạt 120.506 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 19.000 tài khoản so với tháng trước đó.
Luỹ kế 8 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 842.405 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 3 năm đạt 837.345 tài khoản).
Trong một số báo cáo gần đây, các công ty chứng khoán đều giữ quan điểm tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.
Chứng khoán BOS nhận định, những tháng cuối năm, số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng sẽ thúc đẩy dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp đã kích thích dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đánh giá, trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022 chứng khoán vẫn là kênh đầu tư mang lại tỷ suất lợi nhuận cao so với tiền gửi tiết kiệm.
Theo đó, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng thanh khoản sẽ duy trì mức cao trong thời gian tới và sẽ nền tảng thuận lợi cho các công ty chứng khoán và các ngành liên quan như quản lý tài sản phát triển.