Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Việt Nam được gì và mất gì trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ?

Mai Hương 09:29 23/11/2019

Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đang nóng dần lên với những đòn 'ăn miếng - trả miếng' tác động mạnh mẽ tới kinh tế vĩ mô. Không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng, Việt Nam cần thận trọng những gì?

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên với những đòn 'ăn miếng - trả miếng' tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.

'Ăn miếng - Trả miếng'

Bước vào năm Mậu Tuất, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp nhiều loại thuế với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như máy giặt hay một vài sản phẩm từ thép.

Theo tapchitaichinh, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, Mỹ đã đề xuất áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Hành động này nhằm ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng dần lên với những đòn 'ăn miếng - trả miếng' tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế toàn cầu.

Đáp trả hành động của Mỹ, ngày 2/4/2018, Bộ Thương mại Trung Quốc đã áp đặt thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bao gồm: Phế liệu nhôm, máy bay, ô tô, sản phẩm thịt lợn và đậu nành (có thuế suất 25%), cũng như trái cây, hạt và ống thép (15%).

Tiếp đó, ngày 3/4/2018, Mỹ đã công bố danh sách áp đặt thuế đối với hơn 1.300 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD, trong đó có kế hoạch áp đặt thuế, bao gồm chi tiết máy bay, pin, ti vi màn hình phẳng, thiết bị y tế, vệ tinh và vũ khí.

Để ứng phó, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế 25% bổ sung cho máy bay, ô tô và đậu tương - là hàng xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu của Mỹ sang Trung Quốc.

Sau hành động của Trung Quốc, ngày 5/4/2018, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ xem xét áp thuế 100 tỷ USD trong các mức thuế bổ sung.

Chưa dừng lại ở đó, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày càng căng thẳng hơn, khi Trung Quốc hủy đơn hàng mua đậu tương của Mỹ. Tệ hại hơn, hãng BBC đưa tin, ngày 3/6/2018, Trung Quốc đã cảnh báo rằng, tất cả các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sẽ bị vô hiệu, nếu Mỹ thiết lập các biện pháp trừng phạt thương mại.

Thực hiện công bố trên, ngày 15/6/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 25% trên 50 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc. Trong đó, 34 tỷ USD sẽ bắt đầu vào ngày 6/7/2018, 16 tỷ USD còn lại sẽ tính từ ngày sau đó.

Với hành động đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cáo buộc rằng Mỹ đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại và Trung Quốc sẽ đáp trả với mức thuế tương tự đối với hàng nhập khẩu của Mỹ, bắt đầu từ ngày 6/7/2018.

Ba ngày sau, ngày 9/7/2018, Nhà Trắng tuyên bố rằng, Mỹ sẽ áp đặt thêm 10% thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa các mức thuế của Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc trả lời nhanh chóng rằng Trung Quốc sẽ "phản công cứng rắn".

Gần đây nhất, phát biểu trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng ngày 19-11, ông Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang "tiến triển" đồng thời ca ngợi quan hệ cá nhân với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cho dù hai bên có đàm phán đến cỡ nào, thì "Trung Quốc phải chốt thỏa thuận theo ý tôi thích", theo Hãng tin Reuters.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định chỉ chấp nhận thỏa thuận khiến ông "vừa lòng", đồng thời đe dọa tăng thuế hàng Trung Quốc "thậm chí cao hơn" nếu hai bên không đạt đồng thuận.

Như vậy, sự leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã vượt qua biên giới của hai nước Trung - Mỹ, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế vĩ mô và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó.

Nhất là trong hoàn cảnh Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, Việt Nam cũng đang là nước hội nhập sâu rộng trong một hệ thống thương mại toàn cầu có tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao, vậy giữa cuộc chiến không hồi kết của 2 'người khổng lồ' Trung - Mỹ, Việt Nam có những cơ hội và thách thức gì?

Việt Nam có cơ hội gì?

Việt Nam là nước nằm trong top 5 quốc gia mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới với hơn 38 tỷ USD năm 2017. Những mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc đều nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Như vậy, đây có thể là cơ hội tốt để Việt Nam chiếm lĩnh thị phần. Mặt khác, khi đồng USD tăng giá, NDT giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn hạn, vì VND chủ yếu neo theo giá USD. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng có thể tăng lên trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao sẽ có xu hướng chững lại.

Hơn nữa, khi các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị đánh thuế cao sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Mỹ.

Đây là cơ hội cho không ít DN có thể mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ, từ đó hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Mỹ thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.

Về trung hạn, Việt Nam có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ diễn ra xu hướng chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần có thời gian để thích nghi với các điều kiện kinh tế mới.

Khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế, để giảm phụ thuộc vào Hoa Kỳ, duy trì năng suất, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam...

Việt Nam cần thận trọng

Theo kết quả nghiên cứu của NCIF, xuất nhập khẩu chịu tác động mạnh, với mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020-2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,45% vào năm 2019 và 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,4% vào năm 2019, 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021-2022.

Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lớn hơn trong kịch bản Mỹ đánh thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Do đó, khi 2 đối tác lớn xảy ra xung đột sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể đổ về thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, bởi vì Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, còn có những lo ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ.

Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, rất có thể Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/viet-nam-duoc-gi-va-mat-gi-trong-chien-tranh-thuong-mai-trung--my-d65653.html

Bạn đang đọc bài viết Việt Nam được gì và mất gì trong chiến tranh thương mại Trung - Mỹ? tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế
Dự án chợ Việt Nam (Vietnam Market) tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) dự kiến được mở vào tháng 3/2020. Chợ được hình thành trên cơ sở nhu cầu có thực đối với hàng hóa và DV của Việt Nam tại Malaysia