Hà Nội, Thứ Năm Ngày 12/12/2024

Nước Anh có thực sự là 'thiên đường' lao động cho di dân?

H.T Theo Sở hữu Trí tuệ 11:25 29/10/2019

Vụ việc 39 người tử vong trong hành trình sang Anh đặt ra một câu hỏi, rằng vì sao người ta bất chấp tính mạng để sang Anh? Nước Anh có thực sự là "thiên đường" lao động cho di dân?

Có thể nói, Anh là điểm đến lý tưởng vì kinh tế phát triển, hơn nữa đây là quốc gia ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.

Thiên đường màu hồng

Nhiều người tìm cách đến Anh để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, chạy trốn tình trạng bạo lực hay nguy cơ bị giết, tra tấn, hãm hiếp ở quê nhà. Anh đã cung cấp tị nạn, bảo vệ nhân đạo hoặc các hình thức tái định cư cho 18.519 người từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2019, theo vnexpress.

Có thể thấy, chế độ cho người xin tị nạn tại đây khá tốt. Những người xin tị nạn được hưởng trợ cấp tài chính, được nhận chế độ chăm sóc y tế và được học hành. Chế độ hỗ trợ lương thực ở Anh cũng khá tốt và phát triển đều. Thống kê cho thấy trong năm 2018, tổ chức từ thiện Trussell Trust đã phân phát 1,6 triệu phần thực phẩm, tăng 19% so với năm trước đó.

Không ít người nhập cư tìm mọi cách vào Anh vì có người nhà, người quen ở đó và nhờ đó họ có thể tá túc thời gian đầu để tìm việc và tìm cách xin được lưu trú dài hạn. Hệ thống việc làm chui của người đồng hương cũng là cách để người nhập cư tạo thu nhập trong một thời gian, trước khi tìm cách ở lâu dài hơn hoặc bị trục xuất (sau khi đã tích lũy một số tiền cho cá nhân).

Những người xin tị nạn được hưởng trợ cấp tài chính, được nhận chế độ chăm sóc y tế và được học hành.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Anh hiện chỉ là 3,8% tính theo thống kê mới nhất của tháng 3 đến tháng 5 - 2019, công bố vào giữa tháng 7 vừa qua. Theo tuoitre, đây là tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 45 năm qua, bất kể những xáo trộn do sự kiện Brexit. Đây cũng là tỉ lệ gần như thấp nhất châu Âu. Tỉ lệ thất nghiệp thấp cũng có nghĩa việc làm nhiều.

Đó là điều đầu tiên khiến những di dân có động cơ kinh tế tìm đến. Thông tin trước đây cũng cho biết thị trường lao động chui từng chiếm đến 10% GDP của Anh.

Chưa kể một điểm sáng khác là tăng trưởng kinh tế Anh tốt, bất chấp những cảnh báo thiệt hại cho nước Anh khi rời EU. Tỉ lệ tăng trưởng trong những năm qua vào khoảng 1,5%/năm là con số quá lý tưởng ở một quốc gia phát triển.

Hành trình bi thảm

Mặc dù đây được coi là điểm đến lý tưởng vì kinh tế phát triển, ngôn ngữ phổ biến, chế độ tị nạn khá tốt, nhưng chính sách khắt khe khiến nhiều người chọn cách nhập cư nguy hiểm.

Theo vietnamnet, tiến sĩ Patricia Hynes, thuộc Đại học Bedfordshirer, một chuyên gia về di trú cưỡng bức tin rằng cái chết trong vụ việc 39 người tử vong trong hành trình sang Anh bằng cách trốn trên xe đông lạnh vừa qua là hoàn toàn có thể dự báo do chính sách nhập cư hiện thời ở Anh.

Nói với Wales Online, bà Hynes cho hay: "Hiện thời, những người muốn trốn ngược đãi, chiến tranh, bạo lực để đến một quốc gia an toàn, chỉ có vài lộ trình để lựa chọn.

Tóm tắt hành trình sang Anh của 39 di dân.

Tại Anh, việc lập pháp cũng như các chính sách trong hơn hai thập niên qua đã hạn chế khả năng những người cần giúp đỡ có thể tới đây theo cách an toàn và hợp pháp. Chỉ có một lộ trình duy nhất thì nó lại không an toàn, đó chính là con đường mà người lớn và trẻ nhỏ khi chọn sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Các loại tai nạn đều có thể dự báo do môi trường chính sách và lập pháp buộc những người muốn tới Anh phải chọn cách cực kỳ nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp xảy ra, những vụ việc mà chúng ta có thể rút ra bài học từ đó và thay đổi môi trường chính sách hiện thời để tránh cho những thảm kịch đó xảy ra. Tuy nhiên, không ai muốn rút ra bài học".

Việc thiếu các tuyến đường an toàn và hợp pháp vào Anh là nguyên nhân một phần khiến người nhập cư phải phụ thuộc vào các phương pháp đe dọa đến tính mạng, bao gồm nhồi nhét người vào phía sau xe container đông lạnh hoặc lênh đênh trên biển bằng những chiếc xuồng mỏng manh.

Đơn vị ngăn chặn nô lệ thời hiện đại thuộc sở cảnh sát Gwent cho hay, cho tới giờ, xe tải là phương tiện mà những kẻ buôn người ưa dùng nhất để vận chuyển nạn nhân vào Anh. Vì sao vậy?

Theo khoahocdoisong lý giải, thì lực lượng an ninh tại cảng Purfleet và cảng Zeebrugge đều được trang bị thiết bị chụp và quét tầm nhiệt để phát hiện dấu hiệu khả nghi bên trong các toa hàng. Mặc dù vậy, các thiết bị này được cho biết là chỉ phát huy hiệu quả với các container thông thường.

"Thiết bị chụp tầm nhiệt không hiệu quả đối với các container đông lạnh. Bên trong các container này quá lạnh, các thiết bị không thể bắt được tín hiệu nhiệt nếu có người trốn ở bên trong", một nhân viên an ninh tại cảng Purfleet cho biết.

Nhà chức trách Anh nhận định 39 người trên xe tải phát hiện ở Essex có thể đã phải chịu cái rét tới âm 25 độ C. Theo Livescience, ở nhiệt độ âm 25 độ C, nếu không mặc đủ ấm, cơ thể con người sẽ bị hạ thân nhiệt chỉ trong 10 phút, dẫn đến hoại tử các chi, mất ý thức và tử vong.

Hiện thực tàn khốc

Chuyến hành trình vốn đã quá bấp bênh, nhưng khi may mắn tới "miền đất hứa", nhiều người Việt mới “vỡ mộng”, chịu sự bóc lột, thậm chí sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại. Các báo cáo của Anh nhiều năm qua nêu rõ người Việt được đưa lậu vào nước này hầu hết làm công việc lao động chân tay như ở tiệm làm móng, trại trồng cần sa và thậm chí cả mại dâm.

Theo tờ The Guardian, một nhân viên làm móng cho biết phải lao động từ sáng đến tối cả 7 ngày trong tuần nhưng chỉ được trả 30 bảng/tuần (khoảng 900.000 đồng). Một số người còn không được giữ số tiền ít ỏi đó mà bị những kẻ buôn người trấn lột. Họ phải sống khép kín theo sự sắp xếp của chủ tiệm.

Một mặt họ biết mình đến Anh bất hợp pháp nên thay vì cầu cứu thì họ sợ bị cảnh sát phát hiện và chịu đựng sự bóc lột. Mặt khác, một số người còn không nhận ra mình là nạn nhân của những kẻ buôn người vì nghĩ rằng chính họ lựa chọn nên phải trả tiền.

Trang trại cần sa tại Anh, nơi nhiều lao động bị bóc lột tàn tệ.

Trong khi đó, nhiều trẻ em bị lừa sang Anh rồi bị ép trông nom vườn cần sa hay “bóng ma” theo cách gọi của những kẻ buôn người. Chúng sống trong sợ hãi, bị cách ly với thế giới bên ngoài và không được trả lương.

Một báo cáo từ cuộc điều tra của Trung tâm chống lạm dụng trẻ em và bảo vệ trực tuyến của Anh (CEOP) trước đây cũng đã phanh phui mối liên hệ mật thiết giữa các trang trại cần sa và tiệm làm móng, theo tờ The Sunday Times.
Ngoài những người may mắn xin được tị nạn, những người lao động chui có thu nhập ổn định, còn rất nhiều người khác, hoặc đã nằm lại trên đường sang Châu Âu, vĩnh viễn không thể quay về quê hương hay về "miền đất hứa" với khát vọng đổi đời, còn rất nhiều người mà không có một cuộc thống kê nào làm rõ được, bao nhiêu người bị quỵt lương, bị bóc lột tình dục, bị đối xử tàn tệ như những "bóng ma" ở đất nước này.
Không phải trước đây những câu chuyện tương tự chưa xảy ra, nhưng vụ việc 39 người tử vong trong hành trình sang Anh là một hồi chuông cho Việt Nam, cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài và cho cả thế giới, rằng cần có một chính sách tốt cho người lao động có khát vọng tiến thân và làm giàu chính đáng.
H.T/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nuoc-anh-co-thuc-su-la-thien-duong-lao-dong-cho-di-dan-d62776.html

Bạn đang đọc bài viết Nước Anh có thực sự là 'thiên đường' lao động cho di dân? tại chuyên mục Tin tức quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức quốc tế