Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các chính sách thu liên quan đến bất động sản bao gồm, bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).
Cụ thể, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về chính sách thu hiện hành liên quan đến bất động sản bao gồm các khoản thu khi xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng và thu khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước; lệ phí trước bạ). Bên cạnh đó, các khoản thu trong quá trình sử dụng tài sản bao gồm, Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Các khoản thu khi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bao gồm, Thuế thu nhập doanh nghiệp với bên chuyển quyền là cơ sở kinh doanh và Thuế thu nhập cá nhân với bên chuyển quyền là hộ gia đình, cá nhân.
Bộ Tài chính đề xuất các đơn vị được lấy ý kiến có đánh giá các kết quả đạt được trong thời gian có hiệu lực thi hành của các chính sách liên quan bất động sản tính đến năm 2022 so với mục tiêu; yêu cầu đặt ra khi xây dựng, bao gồm cả số liệu tổng quát thực tế.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương đưa ý kiến đề xuất sửa đổi nội dung cụ thể tại Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Đồng thời bổ sung nội dung mới cần quy định tại Luật, bao gồm đề xuất có gộp 2 Luật thuế kể trên hay không; bổ sung đánh thuế đối với nhà và nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).
Bộ Tài chính cũng lưu ý trong góp ý cần có đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi đối với kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước và tính cấp thiết của nội dung đề xuất.
Trước đó năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (nhà ở) tại Tp.HCM khi xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện cơ chế thí điểm đánh thuế tài sản mà chỉ áp dụng trên địa bàn Tp.HCM có nghĩa là làm tăng nghĩa vụ nộp thuế (tăng nghĩa vụ tài chính) đối với mọi chủ thể sở hữu tài sản. Từ đó làm giảm thu nhập thực tế, sẽ gây tác động bất lợi trong các tầng lớp dân cư. Thậm chí có thể dẫn đến sự dịch chuyển về dân cư, dịch chuyển dòng vốn đầu tư đến các tỉnh, thành phố khác, và sẽ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản thành phố. Do đó chính sách này đến nay không được thực hiện.
Năm 2018, Bộ Tài chính từng đưa ra dự thảo Luật thuế tài sản trình Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự đồng thuận của dư luận nên chưa đưa vào chương trình xây dựng Luật. Hầu hết chuyên gia cho rằng đề xuất này của Bộ Tài chính chỉ hướng tới mục tiêu tăng thu ngân sách, thay vì chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường bất động sản.
Hồi tháng 9/2021 vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng gợi ý Thanh Hóa có thể nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản tại khu vực đô thị để có thêm nguồn thu. Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công, sau này có thể nghiên cứu áp dụng thuế tài sản cho cho Hà Nội, Tp.HCM