Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Những vi phạm vừa qua không làm mờ cống hiến của đội ngũ thầy thuốc

người đưa tin 11:15 06/01/2022

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh.

Vắc-xin là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 chiều 5/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bao trùm lên tất cả hoạt động của Ngành trong năm 2021 là công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành Y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ngành Y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong năm 2021, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vắc-xin được tiêm chủng; tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 99,7% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc-xin là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Tiêu điểm - “Những vi phạm vừa qua không làm mờ cống hiến của đội ngũ thầy thuốc'

Năm 2021, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công.

Người đứng đầu ngành y tế cho biết: "Từ nước tiếp cận vắc-xin chậm nhưng tốc độ và tỉ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Vắc-xin là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội”.

Trong đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch và hiện nay vẫn có hàng ngàn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ đang tiếp tục trực chiến trong các tỉnh ở khu vực miền Nam.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Xói mòn lòng tin đối với ngành

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chỉ rõ còn có những tồn tại, hạn chế và yếu kém. Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn.

Chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh.

Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành.

“Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh, nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tiêu điểm - “Những vi phạm vừa qua không làm mờ cống hiến của đội ngũ thầy thuốc' (Hình 2).

Quang cảnh hội nghị.

Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần đối với nhóm chưa tiêm chủng

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc-xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch.

Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói: "Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch”.

Tiêu điểm - “Những vi phạm vừa qua không làm mờ cống hiến của đội ngũ thầy thuốc' (Hình 3).

Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng (Ảnh minh họa).

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chủ trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Tiếp theo là đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.

Và cuối cùng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành.

Nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực y tế bị cơ quan điều tra xử lý:

+ Cuối tháng 10/2021, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Ngày 18/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án, ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thiết bị Việt Á, cùng một số thuộc cấp cũng bị khởi tố.

+ Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh với hai nhân sự thuộc Bộ Y tế trên, C03 đã khởi tố ông Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ). Liên quan vụ án, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, CDC Nghệ An) và Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) cùng bị khởi tố với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nhung-vi-pham-vua-qua-khong-lam-mo-cong-hien-cua-doi-ngu-thay-thuoc-a539185.html

Bạn đang đọc bài viết Những vi phạm vừa qua không làm mờ cống hiến của đội ngũ thầy thuốc tại chuyên mục Tin tức bộ ngành. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức bộ ngành